Chật vật tuyển sinh vì thí sinh ảo
Thời điểm này, các trường đại học (ĐH) ở khu vực phía Nam đã hoàn thành đợt 1 của kỳ tuyển sinh năm 2020. Trái ngược với những năm trước, tình trạng thí sinh ảo trúng tuyển nhưng không nhập học khá nhiều, nhất là các thí sinh sử dụng điểm thi THPT. Thậm chí, nhiều trường ĐH danh tiếng nhưng tỷ lệ nhập học chỉ đạt chưa tới 50% khiến các trường lại vất vả chiêu sinh tiếp.
Theo nhiều người, do kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay diễn ra khá muộn và nhiều thí sinh đã đậu ĐH trước khi biết điểm thi (bằng xét tuyển học bạ) khiến cho việc sử dụng điểm thi THPT làm hồ sơ là không cần thiết.
Kết thúc đợt 1 của kỳ tuyển sinh, thông báo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, trường còn gần 3.000 chỉ tiêu, chiếm tới 85%. Hiện trường đã điều chỉnh một số phương thức để tiếp tục tuyển sinh.
Trước đó, trường này sử dụng 4 phương thức xét tuyển nhưng hầu hết chỉ có khoảng 55-65% số thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học. Tương tự, một ĐH khác cũng thuộc ĐH Quốc gia TP HCM là ĐH Bách khoa, tình hình cũng không khả quan. Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh nhưng tỷ lệ thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển chỉ đạt 30-60% chỉ tiêu.
Trong khi đó, nhiều trường dù không thông báo tỷ lệ thí sinh nhập học đợt 1 nhưng đã tăng chỉ tiểu tuyển sinh đợt 2 lên rất nhiều.
Cụ thể, các trường có sự điều chỉnh lớn chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp theo hướng tăng lên như Trường ĐH Mở TPHCM từ 30% lên 70%, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM từ 50% lên 80%, Trường ĐH Tài chính - Marketing từ 25% lên 60%, Trường ĐH Kinh tế TP HCM tăng từ mức 10-30% lên 40%, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ 50% lên 70%...
Tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đã được dự báo trước.
Bởi các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh từ trước khi kỳ thi THPT diễn ra. Điều này khiến nhiều thí sinh đã biết chắc mình trúng tuyển (chủ yếu là điểm học bạ, điểm tuyển thẳng…) nên không sử dụng điểm thi THPT.
Trong khi đó, các thí sinh này cũng đồng thời có chất lượng tốt, điểm thi THPT cao khiến các trường ĐH căn cứ vào phổ điểm này để quyết định điểm sàn của từng ngành, từng khối.
Vì vậy, nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu cho các phương thức khác sẽ giúp các thí sinh đợt 2 này có thêm cơ hội trúng tuyển.