Gần 3 vạn dân Hà Nội vẫn mỏi mòn chờ sổ đỏ
Theo Sở TN&MT đến hết tháng 11/2019, trên địa bàn Hà Nội có đến 135 dự án còn tồn tại những sai phạm do chủ đầu tư, với hơn 29 nghìn căn hộ đang phải xin ý kiến cơ quan chức năng trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Những sai phạm “điển hình” làm tê liệt hệ thống
Liên quan đến sự việc của nhiều người dân mua nhà tại các dự án sai phạm trên địa bàn TP Hà Nội không được cấp sổ đỏ, ông Lê Thanh Nam – PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc này liên quan mật thiết đến các chủ đầu tư do họ tự ý xây dựng sai thiết kế, quy hoạch được duyệt; Chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính hoặc chưa bàn giao quỹ nhà tầng 1, quỹ nhà 20%, quỹ nhà 30%; Tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp (hoặc chuyển giao giữa công ty mẹ, công ty con).
Bên cạnh đó, do tồn tại vi phạm kéo dài, người mua nhà đã về ở ổn định, nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng nhà ở, việc này thành phố cũng đã có những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, hiện tại, hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều điểm chưa đồng bộ trong việc xử lý, cơ quan chức năng không thể làm trái quy định nên gặp khó khăn trong cấp GCN cho người mua nhà.
“Điển hình” của sai phạm trật tư xây dựng tại Hà Nội là chủ đầu tư xây dựng công trình có chiều cao vượt mức cho phép, nâng cao số tầng; biến tầng kỹ thuật - áp mái thành căn hộ, sàn văn phòng; mật độ xây sai quy định… Sau nhiều năm hàng trăm hộ dân đã dọn về sinh sống ở các tòa nhà, cho nên việc sử lý sai phạm lại càng khó khăn hơn.
Đơn cử như Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) được phê duyệt xây dựng hai tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã cố tình xây thêm một tòa nhà 30 tầng và tăng tầng hai tòa nhà CT6A, CT6B, dẫn đến nhiều hộ dân mua phải căn hộ xây không phép, sai phép chưa được cấp sổ đỏ.
Cùng chung sai phạm là tổ hợp 12 tòa chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) được phê duyệt xây 27 tầng, nhưng chủ đầu tư tự ý xây lên 36 đến 40 tầng. Dự án nhà ở Đại Thanh ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có sáu khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng, song thực tế chủ đầu tư vẫn xây lên 32 tầng.
Tại dự án Hòa Bình Green City có địa chỉ 502 Minh Khai người dân cũng rất bức xúc khi hơn 4 năm về ở nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện cấp “sổ đỏ”. Trong đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng, cư dân Hòa Bình Green City cho biết, theo hợp đồng mua bán căn hộ, công ty TNHH Hòa Bình có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện cấp Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho cư dân trong thời gian 1 năm kể từ ngày bàn giao căn hộ.
Mặc dù, cư dân nơi đây đã hoàn thành xong nghĩa vụ của người mua, nhưng nghĩa vụ của người bán – chủ đầu tư hoàn toàn chưa thực hiện. Hàng trăm cư dân tại đây vẫn chưa phải chủ sở hữu của căn hộ…đặc biệt với những người cần vay, thế chấp để làm ăn hay đi nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn vì không chứng minh được tài sản nhà cửa.
Phải có những chế tài nghiêm minh
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh, Hà Nội không nên giao dự án mới cho các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng là chế tài răn đe cần thiết. Đội quản lý trật tự xây dựng phải phát hiện ra sai phạm ngay từ đầu để ngăn chặn chứ không thể để tình trạng xây và bán cho dân xong rồi mới phát hiện sai phạm. Thậm chí, đối với các công trình xây vượt tầng không chỉ phạt hành chính mà phải cưỡng chế tháo dỡ. Làm như vậy mới không tạo thành tiền lệ để các công trình sau này sai phạm.
Đồng quan điểm với chuyên gia quy hoạch đô thị, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, đối với các dự án chung cư cao tầng, nếu chủ đầu tư xây vượt thêm một tầng thì sẽ có thêm hàng chục căn hộ để bán, thu lợi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, nên họ sẵn sàng nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình, vì vậy cần phải có chế tài nặng hơn.
Tuy nhiên, việc phá dỡ một công trình kiên cố là không đơn giản, vừa ảnh hưởng đến tâm lý người dân đang sinh sống tại tòa nhà vừa gây tốn kém tài chính của Nhà nước, vậy nên nếu phát hiện sớm sai phạm và ngăn chặn kịp thời sẽ là biện pháp tốt nhất để tránh làm “khó” chính quyền và người mua nhà.