Công dụng thực của sổ đỏ và thủ tục làm lại khi bị mất
Sổ đỏ thường được ví như vật bất ly thân của các gia đình, vì vậy khi đánh mất sẽ khiến gia chủ cực kỳ lo lắng, vậy công dụng thực sự của sổ đỏ và thủ tục làm lại khi bị mất như thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Phúc Ban – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, sổ đỏ chỉ là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được cấp cho khu vực ngoài đô thị (nông thôn) được quy định tại Nghị định số 60-CP của Chính phủ và Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng Cục địa chính.
Khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị mất, người dân cũng không phải quá lo lắng vì những lý do sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không phải là tài sản
Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 115 Bộ luật này cũng quy định rõ quyền tài sản như sau:
"Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác".
Theo đó, quyền sử dụng đất là tài sản, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản.
Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận như sau:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy, Giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác). Trong trường hợp mất Giấy chứng nhận thì chỉ mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.
Được cấp lại Giấy chứng nhận khi bị mất
Căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.
Hộ gia đình, cá nhân có Giấy chứng nhận bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.
Sau khi tiếp nhận khai báo của hộ gia đình, cá nhân thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở.
Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.
Không thể cho, tặng, chuyển nhượng nếu không phải chính chủ
Căn cứ Bộ Luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013, mặc dù người sử dụng đất không có quyền định đoạt quyền sử dụng đất nhưng được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn khi có đủ điều kiện.
Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai. Mặt khác, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chỉ được thực hiện bởi chính người sử dụng đất hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Như vậy, khi Giấy chứng nhận bị mất thì người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở nếu không có ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Được phép xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị mất
Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người có quyền sử dụng đất nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp xã, phường nơi cư trú.