Đối thoại với nông dân: Hơn 1.400 câu hỏi được gửi đến Thủ tướng
Hoan nghênh nông dân cả nước gửi 1.400 câu hỏi, Thủ tướng nhấn mạnh lại vị thế rất quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Chiều 28/9, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ ba đối thoại với nông dân. Cuộc đối thoại lần này có chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội nông dân Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nông dân. Trong đó, riêng đại biểu là nông dân có hơn 300 người là nông dân xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho 14 triệu hộ nông dân Việt Nam.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và nước ta vừa bước đầu khống chế được dịch bệnh. Do đó, hội nghị tập trung đối thoại, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Nhóm vấn đề thứ hai là giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các tân tộc.
Tính đến thời điểm tổ chức hội nghị, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 1.400 câu hỏi khác nhau của bà con nông dân thông qua nhiều kênh.
Tại lần đối thoại năm 2019 ở Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe, trực tiếp đối thoại với nông dân về nhiều nội dung như đầu tư cho hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sau hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay thực hiện Nghị quyết 120 về đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy liên kết 6 nhà, nâng cao năng lực dự báo, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nâng cao giá trị nông sản toàn vùng.
Phát biểu đề dẫn cho buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có 15 cơ quan liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với việc nông nghiệp Việt Nam đa dạng, các vùng có tổ chức sản xuất mang tính đặc trưng, nên theo Thủ tướng, việc đối thoại để tháo gỡ cho nông dân nói chung, nông dân Tây Nguyên nói riêng là rất cần thiết.
Hoan nghênh nông dân cả nước gửi 1.400 câu hỏi tới Thủ tướng, Thủ tướng nhấn mạnh lại vị thế rất quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đối với các giai đoạn phát triển của đất nước. Trong bối cảnh Covid-19 tác động sâu sắc đến toàn thế giới, thì nông nghiệp Việt Nam vẫn là trụ đỡ quan trọng, tăng trưởng 2,36%, cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm ngoái. Khu vực nông thôn vẫn là nơi giải quyết việc làm quan trọng. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm nay có thể đạt 42 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, và hết năm nay có thể đạt 63% số xã đạt chuẩn.
Tự hào về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Thủ tướng cho biết, dù đại dịch Covid-19 nhưng năm nay nông nghiệp được mùa, được giá, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Số hộ thiếu đói đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trăn trở về những khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước còn nhiều việc phải làm. Trong đó trước mắt cần mở rộng các thị trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU; thúc đẩy công nghiệp chế biến khi tỉ lệ còn thấp; vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thông còn thấp; đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu…
Trong bối cảnh mới, Thủ tướng cho rằng, có hai vấn đề quan trọng đặt ra cho nông dân Việt Nam. Thứ nhất là cần hình thành tầng lớp nông dân có tư duy mới, kiến thức, trí thức mới thay vì vẫn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; thứ hai là nâng cao tính tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, buổi đối thoại phải mang tính thực chất để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển.