Siết chặt kinh doanh khẩu trang, đồ bảo hộ

QUỐC ĐỊNH 29/09/2020 08:30

Để đối phó với tình trạng nhập lậu khẩu trang qua cửa khẩu diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Thông tư về tạm ngưng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Khẩu trang không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Việc làm này được xem là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cẩn trọng, nếu không sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Mới đây, ở Lạng Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma và Tân Thanh đã thu giữ 103.000 khẩu trang nhập lậu, không có tem nhãn, không xuất xứ. Còn tại Cao Bằng, lực lượng Hải quan và Biên phòng ở cửa khẩu Lý Vạn đã bắt giữ vụ nhập lậu 678.000 khẩu trang y tế. Trong khi đó, tại TP HCM, trong tháng 8 đã tạm giữ lô hàng khẩu trang y tế chưa rõ nguồn gốc với gần 900.000 chiếc.

Để hạn chế tình trạng trên, mới đây Bộ Công thương có đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc tạm ngưng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế. Lý giải về điều này, Bộ Công thương có cho biết, hiện nay có thông tin một số DN đang lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp khẩu trang y tế, đồ bảo hộ lao động. Tình trạng này có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, việc ban hành Thông tư tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa là biện pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của DN. Vì vậy, cần có đánh giá tác động một cách thận trọng, dựa trên các số liệu khách quan và thuyết phục về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đến mức buộc cơ quan quản lý nhà nước phải áp dụng biện pháp tạm ngừng kinh doanh.

Đã có nhiều ý kiến đánh giá, không chỉ với mặt hàng khẩu trang y tế đang xảy ra gian lận thương mại mà việc dùng hình thức tạm nhập tái xuất ở một số mặt hàng khác vào Việt Nam để gian lận thương mại, đã dẫn đến tình trạng bán phá giá, làm “bóp nghẹt” sản xuất trong nước. Chẳng hạn, nếu như có tình trạng khẩu trang y tế tiêu thụ tại Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập tái xuất rồi bán với giá rẻ thì có thể sẽ khiến cho các DN sản xuất khẩu trang trong nước điêu đứng. Nhất là thời gian qua, khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều DN dệt may trong nước đã chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế như một giải pháp để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Như thông tin do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) tổng hợp từ cách đây 4 tháng, chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Có thể nói, nếu xảy ra gian lận thương mại ở mặt hàng khẩu trang y tế ngay trên thị trường nội địa từ việc tạm nhập tái xuất sẽ càng làm cho những DN như trên thêm điêu đứng. Điều quan trọng là cần “siết” kẽ hở thông qua việc tạm ngưng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế như Bộ Công Thương đã đưa ra trong dự thảo Thông tư. Nhưng để thuyết phục hơn thì cơ quan này nên đưa các bằng chứng rõ ràng như góp ý của VCCI.

QUỐC ĐỊNH