Đất vàng lọt vào tay tư nhân
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, làm rõ vi phạm trong việc quản lý và sử dụng 12 cơ sở nhà đất có nguồn gốc đất công.
Sai phạm có cả ở địa phương lẫn các tổng công ty. Có trường hợp chỉ sai phạm ở chừng 60 m2 nhưng lại là vị trí rất đắc địa trong đô thị lớn tạo ra nhức nhối kéo dài. Tuy nhiên, phổ biến hơn là sai phạm ở những lô đất cả ngàn m2.
Lần này, theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, sai phạm “đất vàng” tập trung ở hai “siêu đô thị” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ sai phạm trong quản lý đất đai, đã dẫn tới những khu “đất vàng” lọt vào tay tư nhân với cái giá nhà nước thu về thật là trời ơi đất hỡi.
Ở đây, cũng không cần phải điều tra thật ghê gớm thì cũng thấy ngay rằng có sự bắt tay của đơn vị nhà nước được giao quản lý những lô đất đó (có nghĩa là tài sản công) với tư nhân để cùng trục lợi. Tư nhân được lợi to, những người được Nhà nước giao cho đại diện chủ sở hữu kiếm chác không nhỏ. Chỉ có Nhà nước thiệt hại, Nhân dân thiệt hại.
Thời gian qua, nhất là trong những tháng gần đây, nhiều vụ trục lợi từ đất đai đã được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Có vụ đã tòa án đã xử, cũng có nhiều vụ đang được hoàn chỉnh hồ sơ sai phạm để tiến hành những bước tố tụng tiếp theo. Và cũng nhiều vụ cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý ở những mức độ khác nhau.
Đáng tiếc là không chỉ địa phương, các tổng công ty sai phạm về quản lý đất đai, mà cả trong lực lượng vụ trang cũng có sai phạm. Bằng chứng là một số sĩ quan cao cấp đã bị xử lý với mức độ rất nặng tương xứng với hành vi sai phạm, hoặc để xảy ra sai phạm trong đơn vị mình.
“Hành trình tư nhân hóa đất vàng” có thể diễn ra khác nhau, nhưng hậu quả cuối cùng là gây ra thiệt hại lớn cho Nhà nước. Chủ yếu, quá trình ấy là màn kịch hợp tác kinh doanh, rồi phù phép chuyển hẳn vào tay tư nhân. Có thể lấy vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) làm ví dụ. Vụ này liên quan đến nhiều người, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến.
Theo bản án sơ thẩm của Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân, khu đất số 7-9 (diện tích 3.531 m2) tại đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP HCM) có nguồn gốc đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Út “trọc” đã dùng Vũ Thị Hoan (cháu gọi bằng cậu) đứng tên giám đốc, người đại diện pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh. Công ty này vốn điều lệ chỉ trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.
Để rồi từ đó, nhờ vào sự tiếp tay của một số sĩ quan của Quân chủng Hải quân tham mưu cho tướng Hiến ký ủy quyền giao cho Giám đốc Công ty Hải Thành của Bộ Quốc phòng ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh. Hai bên ký hợp đồng liên doanh với nội dung thành lập công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành.
Thế rồi, sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Út “trọc” chỉ đạo lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 để bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh vay tiền của một số ngân hàng vay tiền cả trăm tỷ đồng thế chấp bằng giá trị khu đất (giá trị 719 tỷ đồng).
Cũng thật kinh khủng là vụ ở Bộ Công thương, với khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM), diện tích 6.080 m2, đã khiến cả cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng cựu Thứ trưởng Bộ này là bà Hồ Thị Kim Thoa thành “củi”. Cũng vẫn là gian dối chuyển sở hữu đất nhà nước sang tư nhân với việc thành lập công ty cổ phần 100% vốn tư nhân đứng tên quyền sử khu đất vàng đó.
Trong việc chuyển đất vàng vào tay tư nhân, không chỉ đồng lõa, tiếp tay mà đám sâu dân mọt nước đã lập nên cả một đường dây chiếm đoạt tài sản của Nước của Dân.
Nhìn lại nhiều vụ án tham nhũng có thể thấy lĩnh vực đất đai bị những kẻ có chức có quyền những đã thoái hóa biến chất coi là miếng mồi béo bở, lợi dụng triệt để. Đất đai dù không biết nói năng nhưng cũng không thể vì thế mà những hành phạm tội không bị phát giác. Trên thực tế, đất là tài sản giá trị cao, đặc biệt là ở những khu đất có thể “đẻ ra vàng” nên bị lắm kẻ nhòm ngó.
Mà cũng không chỉ có “đất vàng”, những năm qua trong tổng số các vụ khiếu kiện thì số vụ liên quan đến đất đai là nhiều nhất, trong đó có chuyện đền bù không thỏa đáng khi khu đất đó được tiến hành thu hồi phục vụ mục đích chung. Vụ Thủ Thiêm (TP HCM) đã qua hơn 20 năm dằng dai cũng có nguyên nhân ấy.
Trở lại vấn đề, đất đai lọt được vào tay tư nhân thì đều do quản lý yếu kém, sự trục lợi của số cán bộ có quyền chức, nhưng đã thoái hóa. Việc mới đây Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ vi phạm trong việc quản lý và sử dụng 12 cơ sở nhà đất có nguồn gốc đất công càng cho thấy điều đó. Mặt khác, động thái ấy thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Và rằng “lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt”.