‘Chia lửa’ kẹt xe đường bộ
Với lợi thế 110 tuyến sông, rạch, giao thông đường thuỷ ở TP HCM đã và đang được kỳ vọng trở thành hạ tầng quan trọng ở khu vực phía Nam, gồm cả vận tải hàng hoá, hành khách lẫn du lịch. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án đường thuỷ vẫn chưa phát huy được thế mạnh, dù được đầu tư khá bài bản… Vì sao vậy?
TP HCM đang hướng tới mục tiêu vận tải hành khách bằng đường thuỷ ở khu vực nội thành nhằm “chia lửa” với giao thông đường bộ đang ùn tắc nghiêm trọng. Hàng loạt dự án đã và đang triển khai, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thành phố.
Với lợi thế là 110 tuyến sông, rạch có tổng chiều dài 1.000 km, giao thông đương thuỷ ở TP HCM đã và đang được kỳ vọng trở thành hạ tầng quan trọng ở khu vực phía Nam, gồm cả vận tải hàng hoá, hành khách lẫn du lịch. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án đường thuỷ vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có, dù được đầu tư khá bài bản.
Theo đại diện của Sở Giao thông vận tải TP HCM, từ năm 2021 tới năm 2030, TP HCM cần khoảng 21.000 tỷ đồng để phát triển các dự án giao thông đường thuỷ. Trong số 21.000 tỷ đồng thì có 4.100 tỷ để đầu tư các tuyến luồng, dự án cảng. Ngoài ra, mỗi năm TP HCM cũng cần khoảng 570 tỷ đồng để duy tu, bảo trì các tuyến đường thuỷ cùng chi phí đầu tư phương tiện khác.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc sở GTVT TP HCM cho biết, thành phố có nhiều thế mạnh về sông ngòi. Vì vậy, việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy sẽ góp phần phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch đường thủy. Theo kế hoạch, sở này sẽ tập trung vào đầu tư luồng tuyến đường thuỷ nội địa kết nối với cảng biển. Ngoài ra còn tập trung ưu tiên đầu tư để tăng kết nối vùng, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Các tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn -Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông). Song song với đó là các tuyến nối miền Tây Nam bộ như Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau…
Đặc biệt, TP HCM cũng hướng tới mục tiêu vận tải hành khách bằng đường thuỷ ở khu vực nội thành nhằm “chia lửa” với giao thông đường bộ đang ùn tắc nghiêm trọng. Hàng loạt dự án đã và đang triển khai như các tuyến buýt đường sông nối từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Thủ Đức, quận 8, quận 7, Bình Thạnh, quận 2, quận 4... Tuyến phà biển từ Cần Giờ đi TP Vũng Tàu, tuyến tàu cao tốc đi TP Vũng Tàu, TP Thủ Dầu Một, Củ Chi…
Theo nhiều chuyên gia vận tải, giao thông đường thuỷ, nhất là vận tải hành khách ở TP HCM hiện nay chưa phát huy đúng thế mạnh. Nếu vận tải hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn so với đường bộ thì vận tải hành khách gần như chỉ là con số không. Rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra cùng các dự án vận tải đường thuỷ nhưng đến nay, hành khách chưa coi đường thuỷ là phương tiện giao thông bắt buộc ngoài một số tuyến đặc thù như phà, đò ngang.
Hiện nay nhiều tuyến đường thuỷ đã có sẵn hạ tầng, chỉ đầu tư bến cảng, đường dẫn và phương tiện là có thể khai thác nhưng thành phố vẫn chưa tạo ra thói quen di chuyển bằng đường thuỷ của người dân. Trong đó quan trọng nhất, dù chi phí rất ít nhưng hiện nay, giá thành vận tải đường thuỷ ở TP HCM lại khá đắt đỏ so với phương tiện đường bộ. Đây chính là một trong những bất cập khiến giao thông đường thuỷ vẫn ì ạch, trong khi nhu cầu “chia lửa” đang rất bức thiết.