Sân khấu hồi sinh

Cao Ngọc 29/09/2020 08:00

Dịch covid-19 đã khiến hoạt động sân khấu từ đầu năm tới nay ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đam mê ánh đèn sân khấu, đã thôi thúc các nghệ sĩ tự rèn luyện, âm thầm dàn tập vở mới để khi được phép là sẽ vén màn sân khấu.

Vở Huyền thoại Gò Rồng Ấp.

Lần thứ hai trở lại sàn diễn, sự thận trọng cũng không ngăn được niềm hứng khởi cho các nghệ sĩ quyết tâm sáng đèn để làm nghề, để đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại nhịp điệu thường ngày. Nỗ lực ấy quả là đáng trân trọng.

Ở phía Bắc, khá nhanh nhạy với tình hình là sân khấu Lệ Ngọc khi hàng loạt đêm diễn đều lên kế hoạch thực hiện. Hay như tại Nhà hát Lớn Hà Nội là vở Huyền thoại Gò Rồng Ấp (tác giả PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên). Tiếp đó là các suất diễn phục vụ thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu năm nay tại rạp Hồng Hà từ ngày 28/9 đến 4/10, có ngày diễn hai suất vở Tấm Cám (tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn TS. Chua Soo Pong). Cố gắng lớn của một sân khấu xã hội hóa tại Hà Nội quả là đáng nể.

Hầu hết các đơn vị khác cũng đều có kế hoạch để hoạt động. Nhà hát Tuổi trẻ đã bán trước vé hàng tháng cho sự kiện 40 năm lần đầu kịch Lưu Quang Vũ dựng tại đơn vị, cũng là sự kiện kịch Lưu Quang Vũ hằng năm ngay từ tháng 8. Nhưng khi có dịch, Nhà hát nhanh chóng ra thông báo đổi vé, đáp ứng nhu cầu hoàn tiền nhưng như NSƯT Sĩ Tiến cho biết, rất ít khán giả yêu cầu hoàn tiền mà đều vui vẻ chờ đợi những đêm diễn bù.

Vậy là liên tục trong tháng 9, những vở diễn của Lưu Quang Vũ như Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng… đã được bán hết vé.

Rồi vở nhạc kịch được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh Trại hoa vàng cũng khá hút khách, nhất là những fan yêu mến tác phẩm, tác giả này. Hay vở Bộ cảnh phục gọn gàng, rất phù hợp với công chúng hiện đại. Những đơn vị khác như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội cũng đều có những đêm ra mắt vở mới, thăm dò để diễn bán vé hoặc liên kết diễn hợp đồng tại các địa phương.

Với sân khấu phía Nam, trở lại hoạt động sớm nhất là Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh với vở kịch đang được yêu thích Bồ công anh (tác giả - đạo diễn: Hữu Quốc, Vũ Trần) vào ngày 29/8 và tiếp tục diễn vào các tối ngày 2/9, 12/9 và 20/9. Vở hài kịch xã hội Tía ơi! Con lấy chồng! diễn đêm 5/9 và 19/9 cũng thu hút khán giả trở lại. Ngoài ra, đơn vị này cũng tiếp tục biểu diễn các vở Bên đàng dệt mộng (13/9), Ảo và thật (18/9), Tình lá diêu bông (26/9), Giao kèo sống thật (27/9) để làm đa dạng thêm những góc nhìn hiện thực, hấp dẫn công chúng.

Các sân khấu như IDECAF, Thế giới trẻ, Kịch Hồng Vân cũng liên tục có các suất diễn trong tháng 9 với nhiều đề tài, nhiều mảng kịch phù hợp với thị hiếu của nhiều phân khúc khán giả.

Cũng thời điểm này, lại rộ lên tranh cãi có nên đưa sân khấu vào nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube cho sân khấu trực tuyến. Nhưng rõ ràng, dịch bệnh cũng đã khiến nghệ sĩ tỉnh táo để nhận thức rằng, đã đến lúc sân khấu cần tính đến những phương thức hoạt động phù hợp, từng bước khôi phục hoạt động bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cần có những chương trình quảng bá, kích cầu bằng giảm giá vé, khuyến mại để khán giả trở lại ngày một đông hơn.

Sự hoạt động nhộn nhịp trở lại của các sân khấu công lập cũng như các sân khấu xã hội hóa sau dịch Covid-19 và sự ủng hộ của nhiều khán giả là tín hiệu vui cho sân khấu vốn đang thiếu vắng khán giả. Tuy vậy, người làm nghề vẫn nhận thấy, rất cần có thêm những động thái mới, những “cú hích” mới, có nhiều giải pháp căn cơ, có chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu của công chúng thì sân khấu mới có thể trở lại với tiết tấu thường nhật.

Cao Ngọc