Chàng sinh viên được ví như 'Lục Vân Tiên' thời hiện đại
Thiều Quang Thanh Sang gây ấn tượng đặc biệt với người đối diện bởi cặp mắt rất sáng. Anh chàng nói tâm huyết lớn nhất của mình là góp phần mang lại bình yên cho cộng đồng.
Hơn 10 lần tham gia bắt cướp trên đường phố, chàng sinh viên Thiều Quang Thanh Sang, khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM, đã trở thành người quen thuộc với cư dân tại địa bàn và được mọi người coi như một “Lục Vân Tiên” thời hiện đại. Thiều Quang Thanh Sang gây ấn tượng đặc biệt với người đối diện bởi cặp mắt rất sáng. Anh chàng nói tâm huyết lớn nhất của mình là góp phần mang lại bình yên cho cộng đồng.
Bén duyên với việc bắt cướp từ nhỏ
Thiều Quang Thanh Sang, sinh viên Học viện Cán bộ TP HCM đã nhiều lần tham gia bắt cướp trên đường. Anh là một trong những điển hình được UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Từ năm 2018 tới nay, Sang nhiều lần trở thành "Lục Vân Tiên", thấy chuyện bất bình không ngó lơ. Sang kể, từ năm học lớp 10, đang trên đường về nhà, tình cờ nhìn thấy hai thanh niên giật điện thoại của một phụ nữ, Sang nhanh trí đuổi theo và bắt gọn tên cướp giúp người bị hại. Từ lúc đó, Sang “bén duyên” với việc bắt cướp lúc nào chẳng hay. Tính tới nay, Sang đã rượt đuổi và bắt hơn 10 vụ cướp trên đường phố Sài Gòn.
Chia sẻ về công việc tưởng chừng như vừa bao đồng, vừa nguy hiểm, Sang cho biết: “Lúc đầu mình hơi lo lắng vì bọn cướp hay thủ hung khí trong người. Sau này, mình quen với việc bắt cướp thì không sợ nữa, nhưng lúc nào cũng phải cẩn trọng để không bị nguy hiểm”.
Lần khác nữa vào đầu năm 2018, sau khi xem camera do người dân ghi lại về một vụ trộm tài sản (máy bơm thủy lực) xảy ra ở quận 9, Sang để ý biển số xe. Khi phát hiện chiếc xe nọ trên đường, Sang gọi một người anh của mình cùng hỗ trợ, bám theo chiếc xe máy kia về tận thị xã Dĩ An, Bình Dương. Sau đó Sang gọi điện cho công an tới hiện trường, đối tượng sau đó đã khai nhận mình đúng là thủ phạm.
Từ nhỏ, Thanh Sang đã học võ để tự vệ. Sang cho hay, trong quá trình bắt cướp phải luôn ứng biến nhanh, vừa truy đuổi cướp vừa tìm cách liên lạc với công an để hỗ trợ. Thế nên, chàng sinh viên luôn lưu số điện thoại của các anh công an khu vực để hỗ trợ khi cần. Sang kể lại, Nhiều vụ đối mặt với những tên cướp hung hăng, đối tượng ra sức chống trả, có lần còn bị xịt hơi cay, nhưng Sang vẫn tri hô để mọi người cùng giúp.
“Mình cũng có một chút lo ngại mỗi khi tham gia bắt cướp trên đường phố. Nhưng sau vụ việc các hiệp sĩ đường phố bị tên cướp đâm chết ở Sài Gòn vừa qua, trong mình càng có một thôi thúc phải hành động, để cướp giật không thể lộng hành như thế. Những tai nạn xảy ra với các hiệp sĩ nhắc nhở bản thân mình làm gì cũng phải cẩn trọng, an toàn, tính toán có chiến thuật chứ không phải bất chấp với bọn cướp, liều mạng rượt đuổi theo chúng” – chàng trai chia sẻ.
Sang tâm sự, ngay từ khi còn tấm bé, anh chàng đã có ước mơ trở thành công an với mong muốn mang lại sự bình yên cho mọi người. Vì duyên số, Sang rẽ sang con đường khác nhưng vẫn luôn đau đáu trong mình sự nghĩa hiệp và bản tính không bao giờ ngó lơ với cái xấu. Đối với Sang, việc học gì không quan trọng, quan trọng là mình được giúp đời, giúp người và sống có ích cho cộng đồng, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tâm nguyện về một xã hội không còn sự vô cảm
Sang là con thứ 2 trong một gia đình lao động. Cha anh từng là công nhân xây dựng, mẹ làm nghề giữ trẻ tại nhà. Thấu hiểu những vất vả của cha mẹ, Sang lúc nào cũng gắng học tốt vì anh biết chỉ có con đường học vấn thì Sang mới có thể giúp cha mẹ bớt khó khăn hơn.
Vừa học giỏi, ngoan ngoãn, anh vừa tranh thủ lúc rảnh phụ giúp mẹ giữ trẻ, khi đi trên đường thì luôn tận tình giúp đỡ mọi người xung quanh từ việc giúp cụ già sang đường hay gọi cứu hộ cho những xe gặp sự cố… chỉ riêng chuyện tham gia bắt cướp thì anh chàng luôn giấu vì sợ cha mẹ sẽ lo lắng, anh chỉ làm mọi việc một cách âm thầm, bình dị. Ngay cả trên Facebook cá nhân, Sang không đăng bất kì một thông tin nào về việc bắt cướp. Một phần sợ ba mẹ biết và lo lắng, phần khác Sang không muốn mang đến những hình ảnh bạo lực khiến người dân lo sợ, không an tâm. Khi kể về mình, Sang luôn liên tục nói về việc mình chưa từng tự nhận là hiệp sỹ, chỉ đơn giản là thấy chuyện cần làm nên anh tự thấy mình cần phải giúp mọi người mà thôi.
Nhưng việc này rồi cũng không thể giấu cha mẹ được lâu. Sau khi được UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, lúc đó, cha mẹ Sang mới biết con trai mình lâu nay giấu họ đi bắt cướp. Lúc đầu cha mẹ anh rất giận, nhưng về sau, gia đình Sang thấy việc làm này tuy có nguy hiểm nhưng tốt cho cộng đồng nên ủng hộ. Tuy vậy, mỗi lần Sang ra ngoài hay biết tin anh tham gia truy đuổi cướp, ba mẹ không quên dặn dò Sang phải cẩn thận giữ mình. Tất nhiên, không phải vụ bắt cướp nào mà Sang tham gia cũng gặp thuận lợi. Đôi khi gặp bọn cướp có hung khí hoặc chống trả bằng hơi cay, bột ớt, đạp xe làm Sang té ngã, thậm chí có vụ phải truy đuổi tốc độ cao bằng xe máy. Những lúc như vậy, Sang luôn nhắc mình phải chú ý an toàn và lượng sức mình.
Ở ngoài đường, Sang như một anh hùng “Lục Vân Tiên”. Trở về khu phố, anh còn là phó bí thư chi đoàn. Anh thường hướng dẫn các bạn trẻ và trẻ em phòng tránh những nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là khi đối mặt với bọn trộm cướp. Với những người bị dụ dỗ, lôi kéo dùng ma túy, Sang còn âm thầm khuyên nhủ các bạn tránh xa. Có lẽ, đối với anh chàng, việc giúp đỡ người khác đã trở thành một niềm “đam mê” khó bỏ. Tuy luôn “cháy bỏng” trong mình sự nghĩa hiệp nhưng Thanh Sang vẫn luôn đau đáu về việc mọi người đang ngày càng có xu hướng thờ ơ với những gì đang xảy ra trước mắt mình.
“Mình rất buồn khi thấy mọi người lại tỏ ra thờ ơ với người gặp nạn. Có lần sau khi hạ gục được tên cướp mình kêu to để người dân ra hỗ trợ, vậy mà nhiều người chỉ đứng nhìn và chụp hình, quay phim. Nếu tất cả chúng ta im lặng trước cái xấu thì sẽ ra sao nếu một ngày, chính chúng ta sẽ là nạn nhân” - Thanh Sang bộc bạch.
Phát huy truyền thống, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, các phong trào thi đua yêu nước của TP HCM ngày càng đa dạng, phong phú lan tỏa sâu rộng từ người già đến người trẻ, từ cán bộ đảng viên đến người dân, trong từng khu dân cư, từng hộ dân gia đình, đã tạo thành phong trào hành động cách mạng trong nhân dân ngày càng sôi nổi, rộng khắp. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua, sự dũng cảm, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm ở mỗi tập thể, cá nhân và đông đảo người dân thành phố, họ làm công việc đó một cách tự nguyện, không phải vì muốn được vinh danh, được khen thưởng mà chỉ xuất phát từ cái tâm trong sáng muốn làm đẹp cho cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn.
Tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” nhằm khích lệ, động viên kịp thời và ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của từng cá nhân, tập thể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Lãnh đạo TP HCM mong muốn các tấm gương được tuyên dương sẽ tiếp tục là những hạt giống ươm mầm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là nhân tố tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.