Bầu cử Tổng thống Mỹ: Gay gắt cuộc tranh luận đầu tiên
Phía chiến dịch của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm 29/9 đã đưa ra đòn phủ đầu nhằm vào chiến dịch của đương kim Tổng thống Donald Trump liên quan tới vấn đề đóng thuế của ông. Đòn công kích được đưa ra ngay trước cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai đối thủ.
Đòn tấn công phủ đầu
Theo thông tin mà tờ New York Times đăng tải, ông Trump chỉ chi trả 750 USD tiền thuế thu nhập liên bang trong cả năm 2016 và năm 2017, sau nhiều năm báo cáo thua lỗ lớn trong làm ăn. Tờ báo còn nêu rằng ông Trump không trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào trong 10 năm liền, trong khi ông đã thu được 427,4 triệu USD thu nhập từ chương trình truyền hình và thỏa thuận cấp phép.
Jared Bernstein, một trong số những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden, cho rằng báo cáo của New York Times đã cho thấy sự cần thiết phải đơn giản hóa quy định thuế và khiến những người giàu như ông Trump phải trả thuế công bằng hơn.
“Phần lớn chúng ta đều phải đóng thuế và vật lộn với cuộc sống. Nhưng bạn càng trở nên giàu có, bạn càng thuê nhiều luật sư thuế, bạn càng biến khoản tiền của mình trở nên phức tạp hơn” - Bernstein viết trên Twitter.
Chiến dịch của ông Biden còn tung ra một đoạn video trong đó nêu rằng các giáo viên, lính cứu hỏa, công nhân xây dựng đã phải chi hàng nghìn USD tiền thuế, trong khi ông Trump chỉ đóng có 750 USD tiền thuế trong năm 2017. Chiến dịch này cũng bắt đầu bán ra những tấm dán có khẩu hiệu: “Tôi trả nhiều thuế hơn ông Donald Trump”.
Về phần mình, ông Trump nói thông tin của New York Times là “tin giả”. Hôm đầu tuần, ông viết trên Twitter rằng bản thân đã trả “nhiều triệu USD tiền thuế”. Trong khi Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã mô tả bài viết trên là nhằm bôi nhọ ông Trump và là chiến thuật thường thấy của phe Dân chủ. “Chúng tôi đã xem vở kịch này trước đây rồi…Họ từng bày nó ra vào năm 2016 nhưng không có tác dụng” - bà McEnany nói với Fox Business.
Cuộc tranh luận đầu tiên
Tổng thống Trump và đối thủ Biden sẽ có màn đối đầu trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio trong hôm 29/9 (theo giờ Mỹ), chỉ 5 tuần trước kỳ bầu cử ngày 3/11. Tới thời điểm này, các lá phiếu thăm dò cho thấy ông Biden đang tạm dẫn trước ông Trump trên toàn quốc và ở một số các bang quan trọng được coi là chiến trường.
Tuy nhiên ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Tôi rất mong chờ cuộc tranh luận này”.
Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút được truyền hình trực tiếp sẽ nhằm vào chủ đề cách ứng phó đại dịch Covid-19 của ông Trump, cùng việc ông thúc đẩy để lấp chỗ trống của cố Thẩm phán tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg.
Sự “trỗi dậy” của vấn đề thuế của ông Trump cũng sẽ trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận này, bởi đối thủ Biden chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội công kích lớn như vậy. Trong năm 2016, ông Trump từng phá vỡ truyền thống kéo dài nhiều thập kỷ của một ứng viên Tổng thống khi công khai khoản đóng thuế của mình.
Trong những tuần gần đây, nhóm của ông Biden liên đưa thông tin rằng ông Trump giúp giới nhà giàu trốn thuế và từ bé đã được sống trong nhung lụa, trong khi ông Biden sinh trưởng trong một gia đình tầng lớp trung lưu.
Hiện tại, ông Biden đã công bố tiền thuế cá nhân mà ông đóng suốt 2 thập kỷ qua - chỉ riêng năm 2019 là chưa. Cá nhân ông không đề cập tới báo cáo mới đây của New York Times, nhưng có điều khá chắc chắn là ông sẽ đề cập tới nó khi tranh luận trực tiếp với ông Trump.
Về phần minh, Tổng thống Trump vẫn luôn tự hào về những thành tựu mà ông đạt được về mặt kinh tế, nói rằng các chính sách mà ông theo đuổi đã giúp thúc đẩy đà tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống gần mức thấp nhất trong 50 năm, trong giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo giới chuyện gia, ông Biden có thể đưa ra một số đề xuất đáng chú ý trong cuộc tranh luận, như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 400.000 USD. Trong khi đó, ông Trump, người đã ký thông qua gói cứu trợ cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2017, đã cáo buộc ông Biden thúc đẩy các chương trình nghị sự cực hữu có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ.