Khó phạt người vi phạm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thay thế cho Nghị định 176/2013-NĐ-CP. Theo đó, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Lâu nay, rượu bia được xem như một tác nhân gây tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy khác về sức khỏe, vì thế người dân hết sức đồng tình việc “khép chặt” quản lý trong lĩnh vực này. Song, hành lang pháp lý phải đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn, tránh tình trạng quy định rồi... để đấy.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ ngày 15/11, những hành vi như uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Thủ trưởng cơ quan “quên” nhắc nhở nhân viên không được uống rượu bia trong giờ làm việc cũng sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng. Xem ra quy định này có vẻ nghiêm và sẽ hạn chế được thực trạng uống rượu bia trong giờ làm việc, ảnh hưởng tới chất lượng công việc, nhất là trong các ngành đòi hỏi sự tập trung cao như sư phạm, y tế...
Song, nếu thực sự “mổ xẻ” quy định trong thực tiễn thi hành thì lại gần như... bất khả thi. Ta vẫn thường nói với nhau rằng, án tại hồ sơ, trọng chứng hơn trọng cung, nghĩa là là muốn xử lý người vi phạm phải có bằng chứng, tang vật... Ngay cả trong các vụ án hình sự, nếu cơ quan công an trong quá trình điều tra mà thu thập thiếu chứng cứ, tài liệu sẽ không thể kết tội được nghi phạm, dù ai cũng biết đó chính là thủ phạm gây án. Không chứng minh được hành vi phạm tội nghĩa là vô tội (suy đoán vô tội).
Chiếu vào quy định tại Nghị định 117 cũng vậy. Hành vi ép buộc người khác uống rượu bia khó có thể thu thập được bằng chứng (trừ quay video clip), mà đã không có chứng cứ thì làm sao có thể phạt người vi phạm đây? Ngay cả khi có video clip thì người vi phạm cũng hoàn toàn có thể “cãi bay” rằng đó là mời, chứ không phải là ép buộc. Từ ngữ Việt Nam rất phong phú, mời khác rất xa với ép buộc. Mà khi đã là mời (không phải ép) nhau uống rượu thì không chịu sự điều chỉnh của Điều 30, Nghị định 117.
Hay ví dụ như quy định cấm uống rượu trước giờ làm việc, nghỉ giữa giờ... Điều đó có nghĩa là dù uống một giọt rượu bia cũng sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Vậy ai có thể kiểm soát một ông cán bộ, công chức, việc chức trong khi ăn sáng, ăn trưa có kèm chén rượu, cốc bia cho thêm phần ngon miệng? Họ uống ít, tới cơ quan không “tỏa hương ngào ngạt” thì cũng thật khó xử. Không lẽ mỗi cơ quan lại trang bị thêm một máy đo nồng độ cồn như lực lượng CSGT?
Đối với quy định lãnh đạo cơ quan không nhắc nhở nhân viên, cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc quy định về rượu bia sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng cũng khó mà thực hiện được. Lấy gì làm bằng chứng về việc thủ trưởng cơ quan không nhắc, hoặc chưa nhắc cấp dưới, nhân viên thực hiện nghiêm túc quy định về rượu bia? E rằng, nhiều người sẽ không “tâm phục, khẩu phục” việc xử phạt.
Đó là còn chưa kể trường hợp cả cơ quan “trên dưới một lòng” liên hoan uống rượu bia nhân một sự kiện vui nào đó. Lúc ấy thì lấy ai, lực lượng nào để giám sát, thực hiện việc lập biên bản vi phạm và xử phạt? Kể cả sau đó có biết sự việc diễn ra, thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể xử phạt hành chính, bởi không có biên bản vi phạm. Theo quy định của pháp luật, muốn phạt hành vi vi phạm hành chính cần có biên bản vi phạm được lập. Khi không có biên bản vi phạm, căn cứ vào đâu để xử phạt vi phạm hành chính?
Vẫn biết rượu bia có tác hại rất lớn đến sức khỏe người sử dụng, là tác nhân gây ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm. Song, đó chỉ là những trường hợp quá lạm dụng rượu bia, sử dụng rượu bia quá nhiều.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa cổ xúy cho việc uống rượu bia trong mọi trường hợp. Phân tích, “mổ xẻ” vấn đề chỉ để thấy rằng, mọi văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành nhằm điều chỉnh các hành vi ở các lĩnh vực khác nhau, cần phải có sự cân nhắc, suy xét kỹ càng, dựa trên căn cứ thực tế, chứ không thể “ngồi máy lạnh, đút chân gầm bàn” rồi ban hành những quy định không khả thi khi triển khai thực hiện.