Trở ngại lớn nhất của tự chủ là tài chính
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, khung tự chủ thực chất rất rộng nhưng Việt Nam vẫn đang còn nghèo nên nói đến tự chủ, đầu tiên phải nói đến tài chính.
PV: Năm nay một số trường ĐH bắt đầu thực hiện tự chủ với điểm nhấn ai cũng nhìn thấy là… tăng học phí phi mã. Điều này, theo ông, phản ánh điều gì?
TS Lê Trường Tùng: Tôi hiểu bạn đang nhắc đến một số trường y dược mạnh dạn tăng mức học phí lên 30 mấy triệu đến 70 triệu tùy ngành. Nhưng không phải trường nào cũng có thể tăng học phí đến mức gấp 2-5 lần như thế. Câu hỏi đặt ra, nếu tăng rồi không có người học thì sao? Tăng thì chất lượng tăng theo đến đâu? Đó là nỗi đau đầu của một trường thực hiện tự chủ.
Chúng ta có thể nhìn thấy, đến nay số trường thí điểm tự chủ hiện mới có 23 trường trên tổng số khoảng 150 trường công lập. Đây là những trường có sức hút học sinh rất lớn còn những trường khác, tự chủ sẽ là bài toán khó hơn vì xét đến cùng, bài toán tài chính không đơn giản nếu không muốn nói là trở ngại quan trọng nhất.
Nhiều trường trước đây hoạt động ở mức độ vừa phải, sống một phần dựa vào học phí, một phần vào ngân sách cấp. Nếu thực hiện tự chủ thì đầu tiên là cắt chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, những cái khác còn nhưng đó là 1 thách thức và nhiều trường không dũng cảm chấp nhận cuộc chơi đó ở thời điểm hiện nay.
Vừa qua, tại phiên họp chuyên đề về Chính sách tài chính trong giáo dục của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, có một đề xuất là cần tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH trong bối cảnh 4.0. Trong khi đó, giáo dục ĐH đang dần tiến tới tự chủ hoàn toàn, thưa ông?
-Với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, chúng ta đã có khung tương đối chi tiết nhưng trong quá trình thực hiện tự chủ chắc chắn sẽ nảy sinh những vướng mắc khác nhau. Vướng mắc quan trọng nhất là rất ít trường thực hiện tự chủ một cách toàn diện, đặc biệt là trường công…
Mặc dù có lộ trình cho các cơ quan sự nghiệp nói chung, trong đó có cả trường ĐH công phải tự chủ để giảm bớt nguồn ngân sách nhà nước để tập trung vào khối phổ thông, nâng cao chất lượng lên.
Bởi tôi quan niệm, phổ thông là phổ cập, là trách nhiệm của nhà nước phải quan tâm đến cả các nơi vùng sâu vùng xa, các địa phương còn khó khăn…
Song không thể tất cả mọi trường ĐH đều ngay lập tức thực hiện tự chủ hay thực hiện tự chủ hoàn toàn mà Nhà nước không cấp ngân sách…
Tài chính - không thể phủ nhận đây là điều kiện quan trọng quyết định chất lượng của hệ thống giáo dục. Theo đó, tài chính không đơn thuần là sử dụng ngân sách nhà nước, mà bao gồm cả học phí và vốn của nhà đầu tư. Thực tiễn của các trường ĐH lớn ở nước ngoài hầu hết đều phải công khai tài chính hàng năm như một doanh nghiệp.
Với các trường tư không nhận ngân sách của nhà nước cấp vẫn tồn tại rõ ràng không phải là dễ, đó chưa kể còn phải nộp thuế nữa. Đó cũng là một khía cạnh của bức tranh hiện nay.
Tự chủ học thuật hay tự chủ về mặt tổ chức thì sao, thưa ông?
- Tự chủ được hiểu là không phải xin cho, tự chủ là tôi được làm theo quy định và nhà nước có thể hậu kiểm là trường làm có đúng không. Trường phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình, chịu trách nhiệm giải trình. Chẳng hạn, nếu không tự chủ, trường phải xin chỉ tiêu. Phải làm thủ tục mở ngành nếu muốn mở một ngành mới. Phải làm hồ sơ để Bộ duyệt trước nếu muốn liên kết với một đối tác mới.
Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH mới, các trường tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy tắc của Bộ, tự mở ngành theo quy định của Bộ, tự xác định đối tác để liên kết theo quy định của Bộ và phải làm cho đúng. Tự chủ và không tự chủ khác nhau ở đó.
Tất nhiên, nếu kiểm định nhà trường chưa đảm bảo thì có thể một số quyền tự chủ của nhà trường chưa được thực hiện.
Qua câu chuyện đào tạo chui của ĐH Đông Đô vừa qua bị phát hiện, có thể thấy nếu trong quá trình tự chủ, các trường tuyển sinh không đúng, sau này mới hậu kiểm thì người học liệu có thiệt thòi?
- Đâu phải chỉ có người học thiệt thòi. Mà chính hiệu trưởng và nhiều người khác cũng bị truy tố. Làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể vì sợ các trường làm sai mà không thực hiện tự chủ, quan trọng là cần phát hiện ra điều đó sớm.
Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông là làm sao để hướng dẫn, giúp người học hiểu thế nào là tuyển sinh đúng quy tắc, nhập học đúng quy tắc…
Đơn cử như việc đào tạo nếu không phải ở trụ sở của trường thì về nguyên tắc không được cấp bằng chính quy. Nên có trường hợp phải cấp bằng tại chức dù hứa hẹn ban đầu là bằng chính quy. Hay người mua bằng tin học, bằng ngoại ngữ mà không thi, người mua biết sai nhưng vẫn làm thì không thể trách ai được, phải chấp nhận.
Tất nhiên, cần có minh bạch trong hoạt động giải trình của các trường, ở mọi khía cạnh, không chỉ về mặt tài chính.
Trân trọng cảm ơn ông!