Cao tốc chuyển mình
Nhiều tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Nam đã bắt đầu hình thành, tạo thành một mạng lưới hạ tầng giao thông quan trọng. So với khoảng 1 năm trước, những tuyến cao tốc đã, đang và chuẩn bị xây dựng đã rõ ràng hơn rất nhiều. Hầu hết các dự án này đều là dự án trọng điểm.
Kể từ sau khi đưa vào sử dụng tuyến cao tốc TP HCM-Trung Lương (năm 2010) và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây (2015) các dự án xây dựng cao tốc khu vực phía Nam gần như bị “đóng băng”. Có dự án như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã bất động hàng chục năm trời. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, hàng loạt dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực này đã được gấp rút triển khai.
Trong đó, dự án Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hay Phan Thiết-Dầu Giây, Phan Thiết-Vĩnh Hảo… với tổng chiều dài lên đến vài trăm cây số. Đây đều là các tuyến đường quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội của nhiều tỉnh, thành khác nhau cũng như xoá thế điểm nghẽn của nhiều địa phương.
Trong đó, dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (99 km) và Vĩnh Hảo-Phan Thiết với chiều dài 101 km sắp triển khai, nằm trên trục cao tốc Bắc Nam có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc kết nối TP HCM và nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ, tuyến cao tốc này cũng là cú hích để các dự án cao tốc khác như Dầu Giây-Đà Lạt (220 km); Dầu Giây-Tân Phú (60 km)… được xây dựng. Đặc biệt, cả 2 dự án này sẽ nối với cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây hiện hữu để giúp cho hệ thống đường cao tốc không còn manh mún. Người dân có thể sử dụng xuyên suốt một trục cao tốc dài tới gần 400 km cho một lộ trình (từ Cần Thơ-TP HCM-Vĩnh Hảo), thay vì chỉ từ 50-60 km như hiện nay.
Theo một chuyên gia giao thông, chỉ trong khoảng 3 năm tới, những dự án hiện nay cùng những dự án đang xây dựng sẽ hoàn thành, khép kín thành một mạng lưới cao tốc phủ khắp nhiều tỉnh, thành và kết nối vùng miền. Bên cạnh đó, việc chuyển giao nguồn vốn xây dựng các tuyến cao tốc này về nguồn ngân sách nhà nước sẽ giúp dự án được triển khai thuận lợi, không vấp phải các vướng mắc về thủ tục hành chính. Ngoài ra, với nguồn vốn ngân sách, các dự án cũng sẽ chủ động hơn về việc điều tiết, không phụ thuộc vào năng lực của các nhà thầu như hiện nay.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ GTVT, trong thời gian từ năm 2020-2025, nhiều dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực phía Nam sẽ được triển khai. Đó là các dự án Biên Hoà-Vũng Tàu (70 km), TP HCM-Chơn Thành (70 km), TP HCM-Mộc Bài (54 km), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (200 km)…
Đồng loạt khởi công 3 dự án cao tốc
Hôm nay (30/9), 3 dự án cao tốc trọng điểm thuộc trục cao tốc Bắc Nam là dự án Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Mai Sơn- Quốc lộ 45 sẽ đồng loạt khởi công. 3 dự án trên được khởi công sau khi các công đoạn giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất. Tổng chiều dài của 3 tuyến cao tốc này lên tới gần 270 km được dự báo sẽ hoàn thành trong năm 2021-2022.