Nhiều điểm vui chơi Tết Trung thu trên phố cổ Hà Nội
Tết trung thu truyền thống với mâm ngũ quả trông trăng, đồ chơi truyền thống như: Ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột; Trò chơi múa lân, rước đèn ông sao thu hút sự chú ý của trẻ em.
Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động vui Tết Trung thu 2020 tại nhiều điểm đến di sản trong khu vực phố cổ, với mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội và Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/9 đến 1/10/2020.
Theo đó, Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây) sẽ tái hiện không gian đón Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội với ban thờ ngày Tết, mâm ngũ quả trông trăng.... Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống, như: Ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột..., với sự dẫn dắt của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Tại đình Kim Ngân (số 42, 44 Hàng Bạc) và Trung tâm Thông tin di sản (số 28 Hàng Buồm) có hoạt động trang trí, sắp đặt không gian giới thiệu về Tết Trung thu truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm tương tác trực tiếp, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tương tác theo phương thức trực tuyến trên trang fanpage "PHỐ CỔ HÀ NỘI", để các nghệ nhân, thợ thủ công có thể giao lưu, hướng dẫn các gia đình và các bé làm đồ chơi truyền thống, đáp ứng nhu cầu vui Tết Trung thu...
Một số trò chơi dịp Tết Trung thu được trẻ em ưa thích:
Trò múa lân đã trở thành hoạt động không thể thiếu. Để làm náo động không khí và mang lại những màn trình diễn vui vẻ cho các em bé. Tết trung thu cho các em không chỉ có mâm cỗ, bánh trung thu mà còn có múa Lân. Tạo không khí vui tươi, háo hức, hòa mình cùng cộng đồn. Đối với thiếu nhi, múa lân chính là một trò chơi luôn được chờ đón mỗi khi trung thu về. Không còn gì hợp lý hơn, nếu trong trong đêm hội trăng rằng múa lân sẽ là một màn mở đầu trước khi bắt đầu các trò chơi cũng như các tiết mục văn nghệ.
Rước đèn ông sao: Ngày nay, dù là thành thị hay nông thôn thì cứ mỗi độ trung thu về, trẻ em lại được tổ chức cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, phố phường. Đây có thể là màn không thể thiếu vào đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn.
“Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu” ắt hẳn là câu hát mà trẻ em nào cũng thuộc. Sẽ thật thích thú nếu như các bé vừa được cầm đèn ông sao vừa hát những ca từ mang đậm không khí của tết trung thu. Được làm thủ công một cách tỉ mỉ từ những nguyên liệu gần gũi như tre và giấy kính, tạo thành hình ngôi sao năm cánh đẹp mắt, đèn ông sao là một món quà ý nghĩa mà người lớn có thể dành tặng và được trẻ nhỏ vô cùng yêu thích.