Còn trục lợi chính sách trong xóa đói giảm nghèo

H.Vũ 01/10/2020 07:30

Ngày 30/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, qua 6 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm từ 2016-2019 bình quân 4,09%/ năm so với tổng số hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo. Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đáng chú ý theo ông Thanh, sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng. Số liệu về chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 với 20% dân số giàu nhất và nhóm 1 với 20% dân số nghèo nhất năm 2014 là 9,7 lần, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên thành 10 lần.

Qua giám sát, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, giảm nghèo vẫn chưa khắc phục được hạn chế như trước đây. Đó là kết quả giảm nghèo không bền vững, tỷ lệ nghèo của vùng đồng bằng dân tộc thiểu số còn cao. Chênh lệch giàu nghèo chưa được cải thiện, còn tình trạng trông chờ ỉ lại chính sách của Nhà nước. Chưa giải quyết được việc đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, chuẩn nghèo còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế,

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Kết quả giảm nghèo dù đạt được rất nhiều song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đặc biệt muốn bền vững ngay là khó khi tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo còn cao so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý “có tình trạng một số tỉnh nghèo huyện nghèo phát sinh không cao nhưng địa phương kinh tế khá giả có số hộ nghèo phát sinh cao là vấn đề mâu thuẫn, đơn cử như tỉnh Vĩnh Phúc”.

Nguyên nhân theo ông Dung là do các hộ dân tách hộ để hưởng chính sách cận nghèo, cũng như giải quyết vấn đề về đất ở. “Nhưng chúng ta cũng phải nói thẳng thắn với nhau là vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách, chủ yếu rơi vào hộ cận nghèo. Một số địa phương vẫn “chơi bài cũ” đó là bình xét để cho con cháu của mình được hưởng. Như vừa qua những sai sót được phát hiện chính là nhờ hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau đó mới “trật ra” nhiều vấn đề. Gói trợ giúp xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một thành công lớn qua đó đã cho chúng ta nhiều bài học và nói lên thực tế” - ông Dung nói.

Từ việc giám sát kiểm tra tại một số địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Ban Công tác đại biểu cho rằng cần quan tâm đến việc phân bổ nguồn lực, bởi nguồn lực đến người nghèo còn nằm ở “khâu trung gian” không đến được đối tượng.

“Vừa rồi tôi có đi các tỉnh miền núi thấy người dân khó khăn nhưng cán bộ lại rất khá. Thậm chí tại một số tỉnh, cán bộ lãnh đạo dùng phương tiện cá nhân sang trọng hơn nhiều nơi khác. Do đó chúng ta cần quan tâm trong việc phân bổ nguồn lực vì nguồn lực đã hạn hẹp nhưng cách phân bổ lại không đến được với dân, tránh để nguồn tài lực đã ít lại còn “rơi rớt” ở nơi này nơi kia”, bà Thanh nói.

H.Vũ