'Tôn tạo' hình ảnh
Tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an dự kiến quy định: Những CSGT bụng quá to sẽ không được làm nhiệm vụ trên đường.
Lãnh đạo Cục CSGT (C08, Bộ Công an) lý giải: Những CSGT bụng phệ sẽ không đảm bảo sự nhanh nhẹn trong các tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy... Dư luận cho rằng, đây là một trong những nỗ lực cải thiện hình ảnh đáng ghi nhận của lực lượng công an.
Xét về mặt khoa học, hầu hết những người “to xác” đều kém nhanh nhẹn hơn những người có thể hình cân đối. Đó là lý do trong võ học, những người cao to thường chọn học những môn võ nặng về dùng sức, tấn công tổng lực, còn những người nhỏ con hơn thường chọn những môn võ mềm mại, uyển chuyển hơn để tận dụng tối đa sự di chuyển linh hoạt của cơ thể khi ứng chiến. Tất nhiên, mỗi môn võ học đều có những nét tinh túy và hạn chế riêng, song việc lựa chọn phù hợp với thể chất mỗi người là rất quan trọng.
Vậy nên việc Bộ Công an dự kiến quy định CSGT “béo bụng” không được thực hiện nhiệm vụ trên đường là hoàn toàn xác đáng. Một người bụng to, dù là bụng tự nhiên hay “bụng bia” đều sẽ gặp khó khăn khi cần di chuyển nhanh, dùng sức nhiều, đòi hỏi sự bền bỉ, làm sao có thể xoay sở trong những tình huống khẩn cấp? Khi gặp tình huống khẩn cấp như chạy bộ truy đuổi tội phạm, thậm chí phải “đấu tay đôi” với chúng thì một CSGT bụng phệ sẽ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ.
Song, việc không đảm bảo sức khỏe khi làm nhiệm vụ cũng chỉ là một phần của lý do mà Bộ Công an không muốn cho CSGT bụng phệ ra đường, quan trọng hơn là muốn cải thiện hình ảnh lực lượng này trong mắt người dân. Hầu hết người dân đều đồng tình, ủng hộ chủ trương này của Bộ Công an. Có người nhã nhặn thì nói: Để những CSGT to bụng như những “ông địa” ra làm nhiệm vụ trên đường trông khó coi. Song, có người thô lỗ hơn lại cho rằng, những CSGT bụng phệ trông có vẻ “no đủ” và thiếu rèn luyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra Bộ Công an, nhất là C08 đã phải thực hiện quy định này lâu rồi mới phải, bởi hình ảnh của lực lượng CSGT trong mắt người dân rất quan trọng. Lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường phải tạo cho người dân cảm giác thân thiện, gần gũi, chứ không phải mặc định là xấu. Tất nhiên, ngoại hình cũng chỉ là một phần, quan trọng hơn là thái độ ứng xử của CSGT với người dân khi thực thi công vụ phải biết lẽ phép, lịch thiệp, văn minh mới tạo được ấn tượng tốt đẹp.
Thời gian qua, lực lượng CSGT thuộc công an các địa phương cũng đã không ngừng nỗ lực cải thiện hình ảnh trong mắt người dân bằng những việc làm thiết thực. Hình ảnh những CSGT đội mưa nhường áo tơi cho thí sinh đi thi, ân cần phát tận tay phụ huynh và học sinh những chiếc khẩu trang, chai nước miễn phí... đã làm thay đổi quan niệm, thái độ của nhiều người trong xã hội với lực lượng này. Giờ đây, với việc cải thiện hình ảnh trực quan về thể hình, chắc chắn lực lượng CSGT sẽ càng gần dân hơn.
Liên quan đến việc cải thiện hình ảnh CSGT trong mắt người dân, cách đây gần chục năm Công an TP Hà Nội đã “đi tiên phong”, đưa ra hàng loạt biện pháp chấn chỉnh, trong đó có quy định CSGT béo bụng không được ra làm nhiệm vụ trên đường, khi làm nhiệm vụ không được đeo kính đen, không được “núp” rình xử phạt... Từ năm 2013, Công an Hà Nội kiên quyết thay những CSGT to bụng về làm bàn giấy, trực ban... không cho làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường.
Cái khác trong quy định của Công an Hà Nội lúc đó và của Bộ Công an hiện nay là không chỉ có CSGT bụng phệ, ngay cả những người “thấp bé, nhẹ cân” cũng không được thực hiện nhiệm vụ ngoài đường. Tất nhiên, dù có ngoại hình “đẹp”, đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ trên đường, nhưng nếu đeo kính đen, núp rình xử phạt, hoặc nói năng thiếu lễ độ, không đúng chuẩn mực khi thực thi công vụ thì cũng bị thay về trực ban như thường, thậm chí còn bị xem xét kỷ luật nghiêm khắc.
Vậy là sau khi Hà Nội thực hiện quy định không cho CSGT bụng phệ ra đường tới gần chục năm, giờ Bộ Công an mới dự kiến thực hiện trong toàn ngành. Hy vọng quy định mới này sẽ tạo bước đột phá trong việc “tôn tạo” hình ảnh lực lượng CSGT đối với xã hội. Song, bên cạnh quy định về hình thể, Bộ Công an, nhất là C08 cũng cần siết chặt hơn nữa, tăng cường giám sát lực lượng CSGT thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên đường. Có vậy, hình ảnh lực lượng CSGT mới thực sự được nâng lên.