Hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm: Đích đến là chất lượng
Nghị định mới của Chính phủ, từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của trường, tiền sinh hoạt phí mỗi tháng 3,63 triệu đồng. Vậy, với sự ưu tiên đó, chất lượng khối ngành sư phạm có được nâng lên?
Ưu đãi kèm cam kết
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn kết, GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ sự vui mừng vì chính sách mới đối với sinh viên theo học ngành sư phạm. Ông nhớ lại trước đây, những năm 60, khi còn giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sinh viên của ông thời đó cũng được trợ cấp 21, 22 đồng/tháng. Tiền ăn hết khoảng 15 đồng/ tháng còn lại là chi tiêu cho các việc khác… Khi đó đất nước còn chưa giành độc lập, còn khó khăn vô vàn nhưng đã có những chế độ hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Nay điều này được khôi phục lại, thực sự là hợp lòng dân.
Đối với băn khoăn cho rằng đây có thể là một sự lãng phí trong đầu tư, GS Phạm Minh Hạc khẳng định nếu chi tiêu không chính đáng, không đúng mục đích mới gọi là lãng phí. Còn đầu tư cho đào tạo sư phạm, để sau này cho ra một đội ngũ giáo viên tốt thì đó là điều đáng mừng.
“Bộ GDĐT cũng từng có tổng kết về chính sách miễn giảm học phí đã có tác dụng thúc đẩy nhất định khi có một số lượng sinh viên đăng ký học ngành sư phạm. Đây là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng 50,5% sinh viên chọn ngành sư phạm”, GS Phạm Minh Hạc nhắc lại. Đồng thời cho rằng, với việc hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí, sẽ giúp thu hút được nhiều học sinh giỏi vào sư phạm hơn.
Cũng chung quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm không chỉ riêng học phí mà phải bao gồm cả học bổng, tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến việc, những sinh viên sư phạm không sử dụng tín dụng sinh viên phải được nhà nước hoàn trả học phí nếu sau khi ra trường họ phục vụ trong các cơ sở giáo dục. “Nếu làm được như vậy sẽ không thiếu người học, chất lượng giáo viên nhất định sẽ tăng lên”- vị cựu hiệu trưởng này bày tỏ.
Đi kèm theo những ưu đãi, Nghị quyết 129/NQ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cũng đưa ra quy định bắt buộc phải hoàn thành đối với những người được hưởng. Theo đó, sinh viên đã nhận hỗ trợ sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ (tiền hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt). Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian tối thiểu là gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng). Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.
Học sinh, sinh viên sư phạm đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Điều này, theo GS. VS Phạm Minh Hạc là hoàn toàn hợp lý vì quyền lợi phải đi kèm nghĩa vụ. Về ý kiến cho rằng sinh viên sư phạm không có cơ hội công tác trong ngành giáo dục vì địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng, thi không đỗ biên chế… vị cựu giáo chức này cho rằng hiện nay, nhiều địa phương vẫn công khai tuyển thêm hàng trăm giáo viên còn thiếu mỗi năm, thậm chí có những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa còn thiếu nhiều hơn. Nếu sau khi tốt nghiệp, các cử nhân sư phạm đăng ký về đây dạy học, thay vì kiên quyết bám trụ ở lại thành phố lớn để thất nghiệp hoặc làm công việc khác không trong ngành giáo dục thì đó là lựa chọn của các em, không thể đổ lỗi cho giáo dục.
Ông Hạc cũng phân tích, quan trọng là những đãi ngộ khi giáo viên tình nguyện lên vùng khó dạy học phải xứng đáng, cũng như những ưu đãi sau một thời gian công tác nếu họ có nguyện vọng về lại miền xuôi giảng dạy để gần gia đình phải được tạo điều kiện. Song tuyển dụng lại không chỉ là câu chuyện riêng của Bộ GDĐT mà lại là chính sách riêng của từng địa phương.
Chất lượng có tăng?
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng ưu đãi với sinh viên theo học ngành sư phạm. Đơn cử như Trung Quốc áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ở những khu vực thiếu giáo viên. Theo chính sách này, Nhà nước sẽ chi khoảng 10 nghìn NDT/năm (20 triệu đồng) cho mỗi sinh viên sư phạm. Sinh viên được yêu cầu phải giảng dạy trong một khu vực nông thôn được chỉ định từ 5-8 năm sau tốt nghiệp. Những ai vi phạm thỏa thuận sẽ phải hoàn trả toàn bộ học phí cùng một mức tiền phạt.
Tại Đức, suốt quá trình học ĐH, ở hầu hết các tiểu bang, sinh viên không phải trả tiền học phí. Sinh viên chỉ phải trả tiền lệ phí hành chính (lệ phí đăng ký) khoảng từ 100 đến 150 Euro/năm tùy theo từng trường.
Hay Hàn Quốc, dù đã bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm nhưng có rất nhiều học bổng để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm... so với các ngành khác.
Không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng có chính sách ưu đãi để hút người học giỏi vào sư phạm. Có thể coi đây là chiến lược về nhân lực cho ngành sư phạm - yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đầu ra sau này của nhà trường.
Nhưng theo GS Phạm Tất Dong, đặt trở lại câu chuyện, tăng thêm mỗi tháng 3,63 triệu cho sinh viên sư phạm ở mức đồng đều thì đi kèm với đó là đòi hỏi về chất lượng giáo dục liệu có tăng lên? Câu trả lời dành cho chính các trường sư phạm và những sinh viên quyết định chọn học ngành sư phạm nhiều vinh quang nhưng cũng không kém phần thách thức. Bởi xét cho cùng, đầu vào không quyết định hoàn toàn chất lượng đầu ra của sinh viên ngành sư phạm nói riêng và sinh viên nói chung. Chỉ có sự nỗ lực mỗi ngày cộng với đam mê với nghề mới đem lại thành công trong công việc.
Cần chính sách đồng bộ
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chính thức triển khai từ năm học 2020-2021 và tới năm 2025, tất cả học sinh phổ thông sẽ học theo chương trình mới. Những đòi hỏi và yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định sự thành công của lần đổi mới này - ngay từ thời điểm này, thậm chí là từ trước đó đã rất rõ. Không chỉ chuyển động từ những nhà quản lý giáo dục, giáo viên đang giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mà ngay từ các trường sư phạm - cái nôi đào tạo giáo viên của cả nước cũng đòi hỏi những chuyển động tích cực và rõ nét.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng ngoài việc kỳ vọng nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên thì giáo viên giỏi mới làm nên học trò giỏi. Chất lượng nhà trường không tốt sẽ không thể thu hút đầu vào, sinh viên ra trường cũng khó xin việc. Giải quyết được phần ngọn là hút học sinh giỏi nhưng nếu nhà trường không thay đổi thì cũng khó nâng được trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên tương lai.
GS Phạm Tất Dong cũng lưu ý, đối với giáo viên, ngoài trình độ, năng lực, kiến thức và phương pháp giảng dạy thì một trong những điều khiến tiết học hấp dẫn được học sinh đó là thái độ, lòng yêu nghề của mỗi nhà giáo. Nhìn từ câu chuyện của Singapore, họ rất thận trọng trong tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Ngoài thành tích học tập, người học được tuyển chọn phải có sự yêu thích, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy.
“Nếu chỉ hút người học bằng chính sách miễn học phí mà không có những kiểm tra về mức độ phù hợp với nghề, quyết tâm gắn bó với nghề thì rất có thể những ưu đãi này sẽ trở thành lãng phí. Bằng chứng là đã có nhiều giáo viên, dù được tuyển dụng biên chế chính thức nhưng cũng không đến nhận nhiệm vụ hoặc sau một thời gian ngắn giảng dạy, đã nghỉ việc vì các lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là vì lương thấp, không đủ sống. Nên cùng với đó phải là các giải pháp về việc làm sau ra trường, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… mới thực sự đồng bộ thu hút người học đầu quân vào sư phạm”, GS Phạm Tất Dong nêu vấn đề.