'Con rất sợ cô Nết'

Hàn Minh 01/10/2020 08:44

Cô giáo Lê Thị Nết, hiện đang là giáo viên tiểu học ở Thái Bình từng chia sẻ câu chuyện thu hút hàng triệu lượt xem trên truyền hình khi một học sinh nói cô là “con điên”. Dù bực lắm nhưng cô vẫn cố lờ đi.

Cậu học trò ngồi kế bên đã đứng lên thưa rằng: “Bạn này nói cô là con điên ạ!”. Khi bắt cô bé kia phải đứng lên giải thích, nét mặt của em rất sợ sệt: “Môi cô ở bên trong còn răng cô ở bên ngoài trông như con điên ạ!”.

Cô cũng từng vô tình nghe thấy học sinh nói: “Con rất sợ cô Nết”.

Mỗi giờ lên lớp, cô thường đi theo con đường kỷ luật rất mạnh với niềm tin rằng những điều ấy sẽ khiến học trò thấy sợ mà học. “Mỗi khi bước vào tiết dạy, tôi đã trở một người cảnh sát hay công an đầy thị uy. Nhưng mặc cho tôi gào thét khàn cả cổ, các em vẫn thản nhiên nô đùa. Nhiều lần ức chế không thể chịu được tôi đã phải quát nạt, thậm chí đe dọa học trò. Tôi “trấn an” lớp bằng những lời dọa nạt như “cô sẽ nhốt con vào chuồng chó” hay “cô sẽ nhốt con ở lại lớp học”.

Những chia sẻ ấy của cô Nết cũng là tâm sự của nhiều giáo viên khi cảm thấy bất lực với trong cách làm sao để học sinh hợp tác với mình trong mỗi tiết học. Suy nghĩ thầy cô phải có uy trước mặt học sinh để giữ kỷ cương trong lớp có lẽ là suy nghĩ phổ biến của nhiều giáo viên nhưng trên thực tế, cách làm này thường đem lại thất bại cho chính giờ học khi cô thì rất tức giận vì trò không nghe lời, còn trò thì sợ sệt, tiếp thu bài càng khó hoặc với các lớp lớn, các em tỏ rõ sự chống đối, làm nhưng không phục… nên hiệu quả học tập rất ít.

Từ việc ngẫm lại chính mình, thay đổi cách giao tiếp với học trò, như thay vì liên tục giảng bài khi vừa vào lớp, tập quan sát và hỏi thăm học trò, thay vì quát mắng là nhắc nhở nhẹ nhàng, thay vì thúc giục học tập là động viên các em, kể chuyện vui cho tiết học thêm sinh động hay áp dụng kỷ luật tích cực với những học sinh cá tính… là cách cô Nết cởi bỏ áp lực của chính mình mỗi khi đến lớp, khiến học trò thấy thoải mái, vui vẻ học tập.

Rõ ràng, hiệu quả rõ nét từ chính thay đổi bởi cách ứng xử của giáo viên với học trò không chỉ đem lại hiệu quả học tập tích cực mà chính giáo viên cũng không cảm thấy áp lực mỗi khi đối mặt với mấy chục học sinh là ngần ấy cá tính khác nhau. Đổi mới giáo dục không chỉ là những thay đổi vĩ mô như thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới mà bắt đầu từ chính những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn không thể ngờ. Đó là những thay đổi từ chính người thầy - yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục như khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Hàn Minh