Chưa xác định được niên đại bãi cọc Đầm Thượng

01/10/2020 19:54

Giám định niên đại mẫu cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên ở trong và ngoài nước cho kết quả chênh lệch ít nhất 3 thế kỷ.

Tại hội nghị công bố những phát hiện khảo cổ mới được Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp UBND TP Hải Phòng tổ chức ngày 29-30/9, các nhà khoa học khẳng định hai bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê và Đầm Thượng tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên là phát hiện khảo cổ đặc biệt có giá trị về lịch sử.

Bước đầu các nhà khoa học nhận định Cao Quỳ là bãi cọc chiến trường của quân và dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Còn bãi cọc Đầm Thượng được phát hiện, khai quật từ tháng 2, hiện chưa xác định cọc được đóng khi nào, ai là chủ nhân.

Bãi cọc gỗ cổ được phát hiện tại Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng vào tháng 2. Ảnh: Viện khảo cổ học Việt Nam.
Bãi cọc gỗ cổ được phát hiện tại Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng vào tháng 2. Ảnh: Viện khảo cổ học Việt Nam.

Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết hai mẫu cọc tại Đầm Thượng đưa đi giám định niên đại bằng phương pháp phóng xạ đồng vị cacbon (C14) cho kết quả khác nhau. Lần một thực hiện trong nước cho kết quả cuối thế kỷ 13. Lần hai thực hiện ở nước ngoài, kết quả là trước thế kỷ 10, tức chênh lệch ít nhất 3 thế kỷ.

Hầu hết cọc tại Đầm Thượng có đặc điểm và cách đóng khác với cọc Cao Quỳ. Cọc Đầm Thượng hình dáng tự nhiên, cắm thẳng đứng xuống lớp bùn lầy trong phạm vi rất rộng, cọc lớn và bé cắm xen lẫn. Một số còn dấu vết mắt gỗ, bị cong và thường có mộng tròn khoét sơ sài phía dưới. Chân cọc có cái chặt vát bằng rìu, có cái chặt bằng. Trong khi đó cọc Cao Quỳ cắm xiên nhiều hướng, mộng vuông.

Theo tiến sĩ Hiếu, điểm khó tiếp theo là lịch sử không ghi chép, các di tích tại địa phương không đề cập đến bãi cọc và người dân địa phương truyền ngôn rằng đó là bãi cọc cổ được ông cha kiến dựng để chống giặc ngoại xâm.

Chính vì những lý do trên, niên đại của bãi cọc Đầm Thượng chưa được xác định. Tuy nhiên, tiến sĩ Hiếu cho rằng căn cứ vào hình dạng, kích thước cọc gỗ, vị trí án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc, sông Kinh Thầy, các nhà khoa học đã nhận định bước đầu "đầm Thượng là bãi cọc chiến trận nhằm ngăn chặn, tiêu diệt chiến thuyền địch".

Khẳng định giám định niên đại bằng phương pháp C14 thường cho kết quả chính xác, nguyên Viện phó Khảo cổ học Việt Nam Nguyễn Văn Hảo cho rằng sai số giữa hai lần có thể do "quá trình lấy mẫu, bảo quản mẫu không tốt, không đúng kỹ thuật".

Để làm rõ giá trị lịch sử của bãi cọc Đầm Thượng, nhiều nhà khảo cổ kiến nghị tiếp tục khai quật mở rộng các khu vực có cọc, phân tích mẫu gỗ và mẫu đất nhằm làm rõ hơn đặc điểm, chức năng của bãi cọc. Việc nghiên cứu khảo cổ học cần mở rộng ra một số di tích khác thuộc tổng Trúc Động xưa (huyện Thủy Nguyên ngày nay) và cả vùng lân cận.

Nhà chức trách cần thực hiện các hướng nghiên cứu liên ngành: địa chất, địa mạo và môi trường cổ; hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và so sánh...

Trong số 37 cọc được phát lộ có một cọc có nhiều mộng khoét tròn. Ảnh: Viện Khảo cổ Việt Nam.
Trong số 37 cọc được phát lộ có một cọc có nhiều mộng khoét tròn. Ảnh: Viện Khảo cổ Việt Nam.

Trước đó ngày 19/2, sau khi phát lộ cọc gỗ cổ tại ao cá nhà ông Đào Văn Đến (khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân), các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng đã khai quật, phát hiện 37 cọc gỗ và một số cụm gỗ, mảnh gỗ rời rạc.

Cọc được làm từ nhiều loại gỗ, trong đó có sến mật. Độ dài và kích cỡ các cọc khác nhau, dài nhất 2,87 m, đường kính lớn nhất 32 cm.