Cuốn hút đất kinh kỳ
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270.000-300.000 tỷ đồng. Đó là mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, do UBND thành phố Hà Nội ban hành, ngày 30/9.
Có thể nói ngay rằng, đó là con số thật lý tưởng. Đặc biệt là trong tình thế hiện nay khi lượng khách du lịch sụt giảm mạnh do tác động xấu của đại dịch Covid-19, để phục hồi khi đại dịch đi qua chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian.
Một thống kê cho biết, trong tháng 8/2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 310 nghìn lượt, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 15 nghìn lượt, giảm 12% so với tháng trước và giảm 97,1% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt 295 nghìn lượt khách, giảm 71,3% so với tháng trước và giảm gần 85% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 753 tỷ đồng, giảm 75,3% so với tháng trước và giảm 91,2% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 7.806 tỷ đồng).
Còn tính cho cả 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ (gồm 737,2 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú và 282 nghìn lượt khách du lịch trong ngày); khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt khách, giảm 65% so với cùng kỳ (gồm 1,73 triệu lượt khách du lịch nội địa lưu trú và 3,54 triệu lượt khách du lịch nội địa trong ngày). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 43.699 tỷ đồng).
Thực tế ấy cho thấy Hà Nội rất cần những giải pháp “khôn ngoan” để tăng trưởng du lịch, không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp kích cầu du lịch và cũng đã thu được những kết quả khích lệ. Tuy nhiên hạ tầng cơ sở du lịch Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu. Số khách du lịch nước ngoài lưu trú dài ngày không cao, trong nhiều trường hợp khách lại coi Hà Nội như một điểm trung chuyển để đi thăm thú Lào Cai, Hà Giang, Hạ Long… Sở dĩ có điều đó là do về căn bản tại trung tâm Hà Nội ít địa điểm được tổ chức tốt; cũng ít có những hình thức hấp dẫn để níu chân du khách. Kể cả những sản phẩm du lịch đặc biệt riêng của Thủ đô cũng nghèo nàn.
Có thể lấy ví dụ với chính người Hà Nội. Những ngày cuối tuần, nơi thú vị nhất mà người lớn thường đưa trẻ con đi chơi và mua sắm, tiêu tiền là vào … siêu thị, vì cũng khó biết chọn điểm cho trẻ vui chơi. Còn với các nhóm du lịch nhỏ dăm ba người thì lại đưa nhau ra ngoại thành, lên Ba Vì hay là Tam Đảo.
Vì thế, để thực hiện chiến lược thu hút gần 50 triệu khách du lịch (vào năm 2030) thì Hà Nội phải cố gắng rất nhiều.
Nhân đây, cũng xin được “bàn góp” về chủ trương phát triển “kinh tế đêm” của Hà Nội. Đây được xem là một “sản phẩm du lịch” hấp dẫn nếu tổ chức tốt.
Cũng trong ngày 30/9, tại cuộc họp giao ban trực tuyến do Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức với lãnh đạo các quận/huyện/thị xã, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã nêu 3 kiến nghị với thành phố, gồm: Xem xét cho quận sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm; cho phép quận triển khai mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; cho phép triển khai thi công “cột mốc km số 0” vì hiện cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 đã hoàn thành.
Cũng cần nói ngay rằng, chỉ riêng với “kinh tế đêm”, đã được bàn tính không chỉ một lần, nhưng lãnh đạo thành phố vẫn trù trừ chưa quyết.
Không cần ý kiến của những người có tầm nhìn xa trông rộng, mà một người dân bình thường cũng thấy đây là cách làm tốt, tạo ra sự hấp dẫn cho Hà Nội. Chưa nói đến việc nhân rộng các địa điểm khác, không chỉ khoanh lại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, nếu hoạt động này được mở ra chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, không chỉ với người đang sinh sống, học tập, làm việc ở Hà Nội mà còn cuốn hút người từ phương xa. Nếu ai đã một lần tới khu phố cổ Hà Nội vào ban đêm, dọc theo con phố Tạ Hiện sẽ thấy “phố đêm” tràn trề sức sống đến thế nào.
Vậy nên, quan trọng là có tư duy mới, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không phải Hà Nội là mảnh đất thiếu cuốn hút mà quan trọng là phải khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng đó, bởi tự thân đất kinh kỳ cũng đã là sự cuốn hút mạnh mẽ.
Nhân đây, chợt nhớ đến câu chuyện cũng đã lâu: Có ý kiến đề xuất biến cây cầu Long Biên thành tuyến phố đi bộ để người dân được ngắm sông Hồng. Trên cầu là nơi bày bán những vật phẩm văn hóa, nơi biểu diễn của những nhóm nghệ sĩ đường phố… Lúc bấy giờ, khi có đề xuất ấy, ai cũng phấn khởi khen là tuyệt. Nhưng thời gian trôi qua, cây cầu sắt hơn trăm năm tuổi vẫn thế, cũ kĩ và lặng lẽ…