Nên xây dựng nhà tưởng niệm Ngô Quyền ở Cổ Loa
Cần thiết xây dựng nhà tưởng niệm Ngô Quyền ở Cổ Loa. Đó là một nội dung chính được trình bày tại Hội thảo khoa học “Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước” tổ chức sáng 1/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.
Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội); là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú, được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn làm nha tướng, yêu mến, gả con gái và giao cho cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại, đoạt chức khiến trong dân oán thán và ngoài bờ cõi giặc giã thừa cơ xâm lấn. Trước nguy cơ này, năm 938, Ngô Quyền từ vùng Ái Châu đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn rửa thù rồi tiến ra cửa biển Bạch Đằng đón quân xâm lược. Dựa vào thủy triều cùng kế sách cắm cọc lòng sông vây hãm quân giặc, Ngô Quyền đã giành đại thắng trên sông Bạch Đằng.
Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá Vua Ngô Quyền như sau: “Tiền Ngô vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”.
Đánh giá về sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa có ý nghĩa tiếp nối truyền thống An Dương Vương, phục hồi lại quốc thống..., đã tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc, xứng là vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Sơn- Hội Sử học Hà Nội và ThS. Phùng Văn Quỳnh có bài tham luận “Cần sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa”. TS. Nguyễn Văn Sơn nói: Vương triều Ngô được thành lập và tồn tại trong thời gian khá ngắn (939-965); Ngô Quyền tại vị khoảng 6 năm (939-944) nên có lẽ vì lý do đó mà các vua triều Ngô chưa để lại dấu ấn lớn ở Cổ Loa. Tuy nhiên, những tư liệu dân gian và đặc biệt là đôi câu đối tại khu di tích Cổ Loa cho thấy rõ, Cổ Loa là nơi đóng đô của Ngô Quyền. Trong khi TP Hải Phòng có mấy chục đền thờ Ngô Quyền thì ở Hà Nội, ngoài Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không có đền thờ Ngô Quyền. Vị khách mời đại diện Bảo tàng Hải Phòng cũng cho biết: Tại Hải Phòng có tới 50 đền thờ Vua Ngô Quyền. Các đền đều hướng về phía Tây, tức là hướng về Hà Nội, về Cổ Loa. Những đền thờ Ngô Quyền được nhiều người biết đến như: Đình Hàng Kênh, Đình Dư Hàng, Đình Gia Viên, Đình Lạc Viên, Từ Lương Xâm…
Ông Trần Việt Anh- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trình bày tham luận bằng hình ảnh 3D dự kiến sẽ xây dựng khu tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa trong diện tích 2.700 m2. Trước mặt khu tưởng niệm là hồ nước có nhà thủy đình thường biểu diễn múa rối nước của phường rối Đào Thục. Theo ông Trần Việt Anh: Ngày 3/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000). Tại Quyết định này đã đề cập đến việc “bổ sung di tích tưởng niệm Ngô Quyền” tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
KTS Đào Ngọc Nghiêm tán đồng việc cần thiết xây dựng khu tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa. Tuy nhiên KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý về vấn đề vị trí mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề xuất đã hợp lý chưa? Kiến trúc đã nghiên cứu xem có hài hòa với cảnh quan và kiến trúc xung quanh chưa?
GS. TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói: Ngoài việc cần thiết xây dựng khu tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa, còn cần hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm vinh danh công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền với đất nước. Hội thảo là bước nghiên cứu cần thiết để xây dựng kịch bản Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.
Một vấn đề nữa được đề cập đến tại Hội thảo là vị trí bãi cọc trận địa Bạch Đằng của Ngô Quyền ở đâu? Có ý kiến cho rằng trận chiến ở cửa sông Bạch Đằng, nơi có đảo Vũ Yên.
Tại triển lãm trưng bày tại Hội thảo cũng vẽ sơ đồ này. Tuy nhiên đến nay chưa có khảo cổ học nào chứng minh. PGS.TS Lê Đình Sỹ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tại tham luận của mình nêu rõ: Ngô Quyền xác định mưu lược đánh giặc trên cơ sở phân tích chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch. Trận địa cọc ngầm là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên. Đây cũng là trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, là di sản để lại cho thế hệ sau về nghệ thuật đánh giặc của cha ông, luôn có giá trị thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm với chủ đề cùng tên. Triển lãm thể hiện bằng hình thức pano, giới thiệu với công chúng về thân thế, sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền theo 3 chủ đề chính: Quê hương và dòng tộc; Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước và Sống mãi cùng non sông. Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho các thế hệ.
Triển lãm trưng bày tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ ngày 1 đến ngày 4/10, sau đó sẽ được đưa về trưng bày tại Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đến hết tháng 11/2020.