Tự chủ bệnh viện: Còn lúng túng trong cách hiểu, vận dụng
Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công đã thay đổi diện mạo không ít đơn vị. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị đang gặp phải những thách thức không nhỏ, nhất là với các bệnh viện địa phương.
Bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, khó khăn lớn nhất của các bệnh viện hiện nay khi được giao tự chủ là nguồn thu. Nguồn thu chủ yếu của đơn vị hiện nay vẫn là thu trên bảo hiểm y tế. Do vậy, nếu bệnh viện không giữ được chất lượng khám chữa bệnh, không giữ được uy tín sẽ dẫn tới việc sụt giảm bệnh nhân, đồng nghĩa với khó khăn về tài chính gia tăng.
BS Lê Công Tước nhận định, hiện nay, khó khăn lớn nhất là các bệnh viện tuyến huyện, do gặp nhiều sự cạnh tranh về mặt thu hút bệnh nhân từ các bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến cao hơn.
Dù khẳng định Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vẫn hoạt động ổn định, do đã được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật và văn hoá ứng xử với bệnh nhân, tuy nhiên BS Tước cũng chia sẻ, trong giai đoạn Covid-19 hiện nay, bệnh nhân sụt giảm chung do người bệnh có tâm lý “sợ” tới bệnh viện khám bệnh. Điều này khiến bệnh viện không hoạt động được hết công suất giường bệnh.
Đồng quan điểm, BS Lê Đăng Khoa- Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá chia sẻ, chi phí tiền lương, phụ cấp thủ thuật phẫu thuật, đặc thù, ưu đãi ngành được kết cấu vào giá dịch vụ nhưng quá thấp, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương tối thiểu và lộ trình cải cách tiền lương chưa kịp thời; nguồn thu thấp, không thể cân đối nguồn chi trả chế độ cho người lao động nếu tuyển dụng đủ chỉ tiêu nhân lực cho chăm sóc toàn diện theo quy định.
Bệnh viện còn phải thực hiện cân đối nguồn chi cho số giường bệnh vượt mức kế hoạch hàng năm, chi phí chưa được tính vào cơ cấu giá dịch vụ, cân đối bổ sung nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu và các chế độ phụ cấp khác cho người lao động. Chưa có cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể cho việc trả lương theo vị trí việc làm, dẫn đến nguy cơ “chảy máu chất xám” sang khu vực ngoài công lập
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng khó khăn trong việc cân đối thu - chi, khi phải tự chủ tài chính. Ông Đào Thiện Tiến- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, hiện giá viện phí mới chỉ được tính 4/7 yếu tố, còn 3 yếu tố là khấu hao tài sản cơ sở hạ tầng, khấu hao trang thiết bị, chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa được cấu thành vào giá viện phí.
BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho rằng, được giao thực hiện tự chủ nhưng với những văn bản hiện hành, nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ.
Mặc dù chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian.
Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác KCB bằng BHYT, giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế, thiếu căn cứ; công tác giám định bảo hiểm y tế còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục; cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thiếu thống nhất dẫn đến các cơ sở KCB lúng túng và gặp nhiều khó khăn...
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, Bộ sẽ phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu chưa đủ. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính.