Chặn lạm thu trá hình

Thu Hương 02/10/2020 08:00

Câu chuyện đóng góp tự nguyện đầu năm năm nào cũng nóng ran trên các diễn đàn dù ngành giáo dục đã có rất nhiều văn bản từ cấp Bộ đến cấp sở quy định vấn đề này. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 của Bộ GDĐT, vấn đề có nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh được đặt ra.

Ban đại diện phụ huynh ở các nhà trường cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Thu tiền mua hoa cũng sai!

Mấy ngày nay, dư luận đang hết sức phẫn nộ trước việc một nữ phụ huynh Trường THPT Trương Định (Hà Nội) không đồng ý đóng khoản quỹ lớp tự nguyện 700.000 đồng trong buổi họp đầu năm, đã bị thóa mạ, tẩy chay, rồi bị kick khỏi nhóm chat chung của phụ huynh lớp. Con trai của nữ phụ huynh này khi đến lớp học cũng bị các bạn trong lớp trêu trọc, mỉa mai vì mẹ không đóng khoản tiền tự nguyện…

Trước đó, hàng loạt các vụ việc liên quan đến lạm thu khác cũng được phản ánh trên truyền thông như vụ thu tiền ghế của học sinh ở Trường THCS Bình Chánh, TPHCM. Hay có nơi giáo viên “gợi ý” phụ huynh mua bảng tương tác bằng cách cho phụ huynh xem sự sinh động của bài học với bảng tương tác này. Tuy nhiên, khoản thu 3 triệu đổ đầu mỗi học sinh cho riêng việc mua bảng thì thực sự là quá tải với rất nhiều gia đình.

Dẫn lời Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nói: Nếu như thu tiền mua 1 bó hoa để tặng cô cũng không thể thu được; vì thu như thế là sai so với Thông tư 55 rồi. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cũng khẳng định: Những chuyện thu quỹ lớp bao nhiêu trăm ngàn đồng có nghĩa là nhà trường đó ở nơi đó không thực hiện đúng Thông tư 55 của Bộ GDĐT.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam thông tin: Ngày 27/8, Bộ GDĐT ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021. Theo đó, về học phí, Bộ GDĐT đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Công khai các khoản tự nguyện

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Điều này đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 55 của Bộ GDĐT. Luật Giáo dục năm 2019 quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh, là phải có. Chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Không phải vì mấy việc ấy mà đặt ra vấn đề có nên duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì trách nhiệm giáo dục con cái của bố mẹ rất là quan trọng. Bố mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường.

Chia sẻ thêm, ông Thành cho rằng Thông tư 55 đã quy định rất chặt chẽ về nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Nhiệm vụ phối hợp để giáo dục học sinh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. Học sinh không đi học thì Ban đại diện cha mẹ học sinh phải có trách nhiệm cùng với nhà trường vận động học sinh đi học; học sinh có khó khăn thì hỗ trợ. Học sinh ở địa phương có hạnh kiểm chưa tốt thì Ban phải phối hợp với nhà trường để làm sao giáo dục.

Điều 10 Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được ghi trong Thông tư 55 là do sự ủng hộ và tài trợ. Không có chuyện thu bao nhiêu tiền/đầu người. Đặc biệt là khoản 4 của Điều 10 ghi rất rõ là Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp, để thu của học sinh và cha mẹ học sinh bất cứ khoản nào mà không phục vụ cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Và có liệt kê rất rõ các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Như vậy, quy định về điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã có, quan trọng là vấn đề thực hiện và giám sát thực hiện ra sao. Một số ý kiến đề xuất các nhà trường cần thay đổi hình thức vận động các khoản tự nguyện. Thay vì “nói miệng” với Ban phụ huynh rồi Ban phụ huynh lại vận động xuống các phụ huynh khác trong lớp, nhà trường nên công khai và kêu gọi ủng hộ trên tinh thần “tự nguyện” đúng nghĩa. Cần ủng hộ gì có thể công khai trên wesite, bảng tin… những phụ huynh có điều kiện có thể ủng hộ cho nhà trường, còn những phụ huynh khác cũng có thể cảm thấy thoải mái nếu không đóng góp. Tuyệt đối không thể vì những gia đình khó khăn không thể đóng góp mà kỳ thị, mỉa mai hay tẩy chay học sinh đó - như vậy đâu còn là tự nguyện mà trở thành bắt buộc rồi!

Thu Hương