Mùa nghịch vụ của trái cây Nam bộ

QUỐC ĐỊNH – THẾ VINH 02/10/2020 09:00

Không chỉ là vựa lúa, thủy-hải sản, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là thủ phủ trái cây của cả nước. Tuy nhiên, khoảng 6.650ha diện tích cây ăn trái khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề của nạn xâm nhập mặn. Vậy làm gì để mở lối thoát cho trái cây Nam Bộ?

Hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua đã làm cho nhiều vườn sầu riêng ở ĐBSCL bị hư hại nặng.

Xã Hiệp Đức ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có hơn 650 ha sầu riêng. Lúc chưa có hạn mặn, cây sầu riêng ở đây cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng. Thế nhưng, đợt hạn mặn khắc nghiệt của năm 2020 đã khiến cho 70% diện tích trồng sầu riêng của xã bị thiệt hại và chết, khiến cho nguồn thu của nông dân sụt giảm thê thảm.

Anh Trần Văn Hai ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức cho biết, gia đình anh trồng 6 công sầu riêng Ri6. Đợt hạn, mặn vừa qua làm nhiều cây sầu riêng trong vườn bị suy kiệt. Sau hạn, mặn, anh thực hiện nhiều giải pháp và hiện vườn sầu riêng đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, do cây không đảm bảo cho việc lấy trái nên gia đình không tiến hành xử lý nghịch vụ. Cũng ở xã Hiệp Đức, vườn sầu riêng của ông Mai Văn Âu sau hạn mặn được cho là đang phục hồi tốt và đang làm mô hình sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ”.

Trong chuyến khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn tại huyện Cai Lậy hôm 23/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm mô hình của ông Âu và đánh giá cao mô hình này khi sản xuất trái vụ, vừa hiệu quả cao do được giá, đi liền với đó không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Thủ tướng cho rằng, cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp. Đây là hướng đi cần thiết. Từ kinh nghiệm của hộ nông dân Mai Văn Âu nên chuyển giao cho nhiều hộ khác.

Với khoảng 10.000 ha trồng cây sầu riêng, huyện Cai Lậy được ghi nhận là địa phương có diện tích trồng sầu riêng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, trước đợt xâm nhập mặn vừa qua thì người nông dân ở đây có băn khoăn là họ có nên tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng hay không?

Bên cạnh cây sầu riêng, tổng kết gần đây về đợt hạn mặn mùa khô 2019 – 2020 đã cho thấy, có khoảng 6.650ha diện tích cây ăn trái các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng, tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Bàn về câu chuyện xâm nhập mặn, theo chuyên gia Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ), với tình trạng đất phèn, nước phèn đã chiếm khoảng 1,6 triệu ha ở ĐBSCL là một thách thức cho canh tác nông nghiệp, làm cho diện tích trồng cây ăn trái trong vùng bị thu hẹp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mở đường thoát cho “vựa trái cây” của cả nước thoát khỏi tình trạng này?

Trong vấn đề của ngành hàng trái cây ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, với điều kiện khí hậu của ĐBSCL và kinh nghiệm sản xuất của nông dân thì những loại trái cây có thể cho trái quanh năm như cam quýt, bưởi. Chôm chôm và sầu riêng cho trái vào mùa khô tháng 12, 1, 2 cũng là một độc đáo. Hay như xoài cát Hòa Lộc, trước đây chỉ cho trái vào tháng 4-6 là hết, bây giờ hầu như có quanh năm. Đây là những ưu thế của trái cây ĐBSCL mà ngay cả miền Đông Nam Bộ cũng không làm được. Nhờ vậy, trái chôm chôm ĐBSCL đã có đóng góp vào xuất khẩu, cạnh tranh với trái cây nhiệt đới Thái Lan.

Nêu ra vài ví dụ để thấy từ mô hình sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” cho đến việc các loại trái cây khác có thể cho ra trái quanh năm là một lợi thế để ngành hàng trái cây ĐBSCL thích ứng trước mối nguy hạn mặn. Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn và cho ngành hàng trái cây ở ĐBSCL là rất cần phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Khi làm việc với các địa phương ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lưu ý là “phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm”.

QUỐC ĐỊNH – THẾ VINH