Đường đến EU không bằng phẳng
Dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu do tình trạng hạn chế giao thương, đứt gãy cung cầu ở hầu hết các thị trường. Ngay tại Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm rõ rệt, đặc biệt là nông sản, rau quả. Tuy nhiên, với việc EVFTA được thực thi, bức tranh xuất khẩu rau quả đã và đang khởi sắc.
Xuất khẩu rau quả khởi sắc
Theo đánh giá của giới chuyên gia, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thời gian qua đã bị giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, xuất khẩu rau quả trong hai quý đầu của năm sụt giảm nặng nề so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau, quả ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Những dữ liệu nói trên cho thấy, tác động của đại dịch Covid-19 đang khiến cho hầu hết các lĩnh vực kinh tế lao đao.
Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang mở ra những cơ hội mới cho ngành rau quả nước nhà. Bộ Công thương đưa ra dự báo xuất khẩu rau, củ, quả sang EU sẽ khởi sắc thời gian tới. Khẳng định rằng điều này hoàn toàn có cơ sở, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nêu lên con số: Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Trong khi nhiều mặt hàng giảm về giá trị xuất khẩu thì ngược lại ngành rau củ quả lại tăng và tăng ở con số đáng khích lệ.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và EVFTA với thị trường gần 500 triệu dân đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN tiếp cận thị trường này.
Đặc biệt, Hà Lan là một trong những thị trường quan trọng của châu Âu. Theo ông Phú, trước đến nay nay, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng rau, củ, quả. Chính bởi vậy, chinh phục được thị trường này có nghĩa là các DN Việt đã đặt được một chân vào thị trường châu Âu.
Cần sản xuất theo hướng an toàn
Ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cho biết, EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. “Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam” - Ông Mathijs van den Broek nhận định .
Mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả đầy tiềm năng nhưng lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng không lớn, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Một phần là bởi EU là thị trường khó tính, những quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm được EU đưa ra là vô cùng khắt khe. Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các DN.
Khi xuất khẩu rau, quả sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm DN sẽ bị trả lại hàng, điều này gây thiệt hại không chỉ riêng đối với cộng đồng DN mà sẽ là “đòn đau” đối với cả ngành rau quả Việt Nam. “Do đó, việc sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.