Bí thư Hà Nội: Đưa Thủ đô trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực
Định hướng đến 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh hiện đại, phát triển năng động hiệu quả và có sức cạnh tranh ở châu Á và quốc tế.
Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm.
"Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo…"
Đây là ý kiến của Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đưa ra tại Tọa đàm cấp cao: “Tham vấn sáng tạo về Hà Nội - Thành phố sáng tạo” do thành phố Hà Nội phối hợp với UNESCO tổ chức ngày 2/10.
Kinh đô sáng tạo
Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu Thành phố sáng tạo.
Ông Michael Croft cho rằng Hà Nội - Thành phố sáng tạo là danh hiệu thế kỷ 21, với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia, trở thành một thành viên sáng tạo, tích cực và có trách nhiệm trong khu vực và thế giới.
Ngoài việc thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, danh hiệu Thành phố sáng tạo còn có vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này.
Ông Michael Croft nhấn mạnh khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, danh hiệu Thành phố sáng tạo chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để thành phố Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO.
Về phía Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh quá trình tham vấn trong nước và quốc tế thời gian qua đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội cũng như sự phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới.
Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác phát triển của Hà Nội và Việt Nam cho rằng Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị tầm nhìn, xác định mục tiêu chiến lược phát triển của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói về Thành phố sáng tạo:
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết mục tiêu chiến lược đang được hoạch định là đến 2025 phát triển thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và khu vực ASEAN.
Định hướng đến 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh hiện đại, phát triển năng động hiệu quả và có sức cạnh tranh ở châu Á và quốc tế. Ở tầm nhìn đến 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, có kinh tế-văn hóa-xã hội phát triển toàn diện và bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế.
“Với mục tiêu chiến lược đó, nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa luôn là nền tảng, là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển Thủ đô,” ông Huệ nhấn mạnh.
Hướng tới chất lượng cuộc sống
Tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tràn đầy năng lượng, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa UNESCO tại Hà Nội cho biết Hà Nội là kinh đô nghìn năm với hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa phong phú, hàng nghìn làng nghề truyền thống…
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện là địa bàn có số lượng không gian sáng tạo văn hóa mới lớn nhất cả nước.
Với lợi thế này, theo bà Hường, để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn chiến lược của thành phố sáng tạo, tầm nhìn sáng tạo sẽ truyền cảm hứng để đưa ra các ý tưởng và giải pháp nhằm mục đích trả lời hàng loạt các câu hỏi quan trọng cho các chính sách xây dựng đô thị.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Nguyễn Quang, Trưởng đại diện UN Habital Việt Nam, quá trình đô thị hóa đem lại nhiều cơ hội cho người dân song cũng tạo ra nhiều thách thức lớn
Đầu tiên là việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng, nhà ở đặc biệt là việc bảo vệ môi trường, không khí và sự an toàn của thành phố, song hành với đó là thách thức về đói nghèo và sự bất bình đẳng.
Ở góc độ khác, thành phố thông minh không chỉ là công nghệ mà mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để nâng cao chất lượng sống, tăng hiệu quả các nguồn lực con người và tài nguyên cũng như tạo ra sự kết nối giữa Chính quyền và người dân.
Vì vậy, tiến sỹ Nguyễn Quang lưu ý công nghệ chỉ là công cụ thực hiện mục tiêu đó và Hà Nội đã tạo ra được rất nhiều không gian sáng tạo cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ phục vụ cho người dân.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Mạng lưới này được thiết lập từ 246 thành phố làm việc cùng nhau, hướng tới mục tiêu chung: Đưa sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành trọng tâm của kế hoạch phát triển trong nước và kế hoạch hợp tác tích cực cấp quốc tế.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.