Chật vật giấc mơ ô tô Việt

Minh Phương 03/10/2020 08:35

Để hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt, đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nhằm cung ứng ra thị trường “những sản phẩm made in Vietnam” chính hiệu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, trước những áp lực cạnh tranh hiện nay, rất cần những đòn bẩy chính sách.

Ngành công nghiệp ô tô trong nước mới chỉ sản xuất được những chi tiết đơn giản.

Dạo qua các trung tâm thương mại lớn, chắc hẳn không ít người tiêu dùng sẽ phải dừng lại tại các gian trưng bày xe ô tô thương hiệu Vinfast. Đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, ấn tượng của ngày đầu tiên chiếc xe ô tô “made in Vietnam” ra đời sẽ còn kéo dài.

Đó là thời điểm năm 2018, khi hãng Vinfast chính thức chào đời sản phẩm ôtô Việt đầu tiên, và tiếp theo vào tháng 6/2019, nhà máy sản xuất ô tô Vinfast đánh dấu bước tiến mới trong mục tiêu hiện thực hóa “giấc mơ ô tô Việt”.

Không chỉ thương hiệu Vinfast với những nỗ lực biến giấc mơ của người Việt được sử dụng ôtô “made in Vietnam” thành sự thật nhiều DN ngành ô tô cũng đang đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Cuối năm 2019, 15 chiếc xe bus mang thương hiệu THACO chính thức được xuất khẩu sang thị trường Philippines tại cảng Chu Lai - Quảng Nam. Sự kiện này là một cú hích quan trọng trong Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô của Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sang khu vực và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bằng những tâm huyết, sự quyết tâm của mình, các DN ngành ô tô đã và đang chứng minh rằng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể được sở hữu những chiếc ô tô “made in Vietnam”.

Tuy nhiên, so với nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng hiện nay, việc chỉ một số ít DN sản xuất được ô tô sẽ chẳng “thấm vào đâu”, nhất là khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm ô tô ngoại nhập có cơ hội tràn vào với thuế suất cực kỳ ưu đãi, áp lực cạnh tranh đối với các DN ngành ô tô là quá lớn.

Theo dự báo của giới chuyên gia, thời gian tới, kim ngạch nhập khẩu ôtô được dự báo sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước và giá ôtô nhập khẩu từ nước ngoài dự báo sẽ giảm giá mạnh nhờ được giảm thuế. Chính bởi vậy, các DN ngành ô tô trong nước sẽ phải đối diện với hàng loạt những khó khăn.

Ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, tới đây, ngành ôtô trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm ô tô nhập khẩu của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Từ 7-10 năm tiếp theo, ngành ô tô Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh với các sản phẩm ôtô đến từ các quốc gia thành viên của các FTA thế hệ mới CPTPP, đặc biệt là EVFTA vừa thực thi.

Trong bối cảnh đó, nhìn vào tỷ lệ nội địa hóa hiện nay của công nghiệp ô tô, không ít chuyên gia tỏ vẻ ái ngại. Đơn giản như số DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp lộ rõ những hạn chế khi chúng ta có chưa đến 100 nhà cung ứng cấp 1 trong khi con số này của Thái Lan gấp 7 lần (có tới 700 nhà cung ứng cấp 1). Và phần lớn các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ thực hiện mức độ lắp ráp đơn giản với dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính: Hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.

Chỉ có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH sản xuất và Kinh doanh VinFast hay Công ty Honda Việt Nam có thực hiện công đoạn là lắp ráp thêm động cơ. Rõ ràng, ngành công nghiệp ô tô của chúng ta còn quá non trẻ so với khu vực, chứ đừng nói đến thế giới.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều cơ chế chính sách mới để tiếp tục hỗ trợ, tạo bàn đạp cho thị trường ô tô Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là tính thực thi của các chính sách đến đâu và sẽ triển khai thế nào trong thời gian tới để có thể hiện thực hóa giấc mơ đưa ô tô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Minh Phương