Tận dụng ưu đãi để gia tăng xuất khẩu
2 tháng sau khi thực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hiệu quả mang lại ngày càng rõ rệt hơn, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam đã chủ động tận dụng ưu đãi để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU, tạo động lực phát triển thương mại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Thông tin này được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF - Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 2/10.
Tại hội thảo này, ban tổ chức kỳ vọng, có thể giải đáp được 3 vấn đề: Phát triển, tạo dựng nhiều hơn nữa hiểu biết về FTA, đảm bảo FTA mang lại những tác động tích cực hơn là những tác động tiêu cực đến Việt Nam; bảo đảm những nhóm yếu thế ở xã hội Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất và trả giá ít nhất trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, chỉ 1 tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã có 7.200 bộ chứng nhận quy tắc xuất xứ được cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU. Đồng nghĩa với việc có 7.200 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU trong tháng 8/2020.
Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan cao là giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, túi xách, rau quả… Nhờ vận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản vào EU trong tháng 8/2020 đã tăng hơn 17% so với tháng 7/2020. Mặt hàng gạo không chỉ gia tăng về sản lượng xuất khẩu mà giá xuất khẩu cũng tăng đáng kể, trung bình từ 80 - 200 USD/tấn so với trước đó.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hùng Tiến, Giám đốc Quốc gia FNF tại Việt Nam thì EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với giá trị nhập khẩu đạt tới 2.000 tỷ Euro. Đây cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 1,8% tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm của EU. Như vậy, dư địa để khai thác thị trường EU dành cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là với với nhiều mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản, nhựa…
“Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tiến độ, đạt tới con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như kỳ vọng ban đầu, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết Hiệp định EVFTA cụ thể, liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch hành động, tận dụng hiệu quả các ưu đãi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý việc đáp ứng những yêu cầu chuẩn mực về kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường mà EU đặt ra mới có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả khu vực thị trường này”, ông Phạm Hùng Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, nếu FTA nguyên thủy chỉ là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, sau đó được nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, rồi được bổ sung phần bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ, thì FTA thế hệ mới có 4 đặc điểm cơ bản. Cụ thể: FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ; có mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm tối đa các thuế hầu như về 0% theo lộ trình nhất định; có cơ chế thực thi rất chặt chẽ; bao gồm các lĩnh vực được xem là “phi thương mại”, như môi trường, lao động – công đoàn, quyền con người, tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế xử phạt…