Biết sai sao không chỉnh?

Tinh Anh 03/10/2020 13:31

Những ngày qua, dư luận bức xúc trước việc một phụ huynh học sinh Trường THPT Trương Định (Hà Nội) bị các phụ huynh khác sỉ nhục vì từ chối đóng một số khoản quỹ lớp.

Đáng nói, không chỉ xúc phạm vị phụ huynh từ chối nộp tiền, các phụ huynh khác còn dung túng cho con em họ cô lập, dè bỉu bạn học vì gia đình chưa đóng đủ quỹ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ từng khẳng định: Thu tiền phụ huynh mua một bó hoa tặng cô cũng là sai quy định. Bộ biết các trường sai, sao không chỉnh?

Quá nhiều khoản đóng góp dẫn tới lạm thu.

Từ lãnh đạo bộ, sở và phòng GDĐT các địa phương đến hiệu trưởng các trường từ cấp tiểu học, THCS đến THPT đều luôn nói rằng, mọi khoản thu quỹ của hội phụ huynh là tự nguyện không bắt buộc, tùy tâm, tùy hoàn cảnh. Đó chỉ là những “lời nói gió bay” để không bị “soi” vì vi phạm các quy định của pháp luật (luật và các văn bản dưới luật). Thực tế thì ngành giáo dục vẫn “ngầm” cho phép hội phụ huynh học sinh thu những khoản tiền trái quy định: Tiền photo tài liệu, vệ sinh trường lớp, biếu thày cô nhân 20/11...

Nói ngành giáo dục ngầm cho phép hội phụ huynh thu tiền trái pháp luật không hề oan. Bởi lẽ, lãnh đạo ngành giáo dục từ bộ, sở, phòng đến hiệu trưởng các trường đều biết hội phụ huynh thu tiền quỹ lớp như thế nào, chi những khoản gì, có đúng quy định hay không... Song, không hề có bất cứ sự chấn chỉnh nào cụ thể, thiết thực để mọi việc đi vào đúng quỹ đạo, nề nếp. Đó là lý do mà cứ đến “chu kỳ”, tức là vào đầu năm học mới, đầu học kỳ mới, lại “ầm ĩ” chuyện lạm thu, bắt phụ huynh đóng góp những khoản tiền vô lý.

Và trong vố số vấn đề của ngành giáo dục liên quan đến lạm thu, núp bóng hội phụ huynh để thu tiền trái quy định, việc phụ huynh học sinh ở Trường THPT Trương Định bị cô lập, xúc phạm, con cái họ vì bị dè bỉu phải nghỉ học ở nhà... cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điều đó giải thích vì sao cả Ban Giám hiệu THPT Trương Định và giáo viên chủ nhiệm lớp đều “im hơi lặng tiếng” (giáo viên chủ nhiệm cũng là thành viên trong group phụ huynh lớp), để sự việc đi quá xa, khiến nhiều người có liên quan bị tổn thương.

Một số ý kiến không đồng tình với vị phụ huynh từ chối đóng góp quỹ lớp, vì cho rằng đóng góp quỹ lớp là vì lợi ích của chính con em mình không đi đâu mà thiệt. Song, hầu hết dư luận xã hội đều cho rằng quan điểm trên là chưa chuẩn, bởi lẽ kể cả là có lợi ích thì cũng phải để mọi người tự nguyện chứ không nên ép. Thực tế thì số tiền quỹ lớp mà phụ huynh đóng góp hàng năm hầu hết được chi cho những khoản mục có thể nói là có cũng được, không có cũng chẳng sao, trong đó có cả việc phong bì cho chủ nhiệm lớp, hiệu trưởng...

Cứ nói ra rả quỹ lớp là không bắt buộc, tùy tâm... vậy thử hỏi không “tự nguyện” thì có được không? Câu trả lời chính là việc phụ huynh ở Trường THPT Trương Định bị xúc phạm danh dự, con của họ bị bạn bè chế diễu đến phải nghỉ học. Những việc tương tự như vậy ở các trường khác, thời điểm khác, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội và lãnh đạo Bộ GDĐT có biết không? Chắc chắn là biết, bởi không biết nghĩa là quan liêu, thiếu trách nhiệm. Biết mà không làm gì cả, cứ để sự việc tái diễn là vi phạm pháp luật.

Theo quan điểm của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành, ban phụ huynh tại các trường, lớp là rất cần thiết và vô cùng quan trọng, không thể bỏ đi được, chỉ cần “điều tiết” hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích mà thôi. Vâng, đó chính là vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm và cần câu trả lời rõ ràng từ chính Bộ GDĐT. Vai trò của ban phụ huynh quan trọng, cần thiết đến mức nào chưa thấy, chỉ thấy vắt óc nghĩ ra các khoản tiền đóng góp khiến các phụ huynh “phát sốt phát rét” mỗi lần đi họp.

Theo lý giải của ông Thành, ban phụ huynh là cầu nối giữa nhà trường với gia đình để phối hợp giáo dục học sinh. Song, thực tế thì hội phụ huynh ở các trường hầu như không có hoạt động gì ngoài việc đầu năm, giữa kỳ hô hào đóng góp và thu cho đủ tiền để nộp cho trường, mua quà cho thày cô, hiệu trưởng, hiệu phó... Vậy thì ý nghĩa tốt đẹp ban đầu về việc thành lập các ban phụ huynh như ông Thành nói có đảm bảo được không? Bộ GDĐT có biết thực trạng hoạt động của các ban phụ huynh như thế nào hay không?

Tin rằng, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng tới lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GDĐT đều có con, em, cháu, người thân đang đi học nên không thể không biết thực trạng các ban phụ huynh là hầu như không giúp ích gì được trong việc phối hợp giáo dục học sinh, mà chỉ đơn giản là những cái “máy thu tiền” hộ nhà trường. Lãnh đạo Bộ biết các trường thu những khoản không đúng quy định, nhưng lại không đưa ra những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, nhằm chấm dứt thực trạng trên thì gọi là năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, hay gì đây?

Tinh Anh