Rác thải về đâu?
Hiện 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn của Hà Nội đã quá tải. Hà Nội đã có giải pháp thay thế bằng cách dùng điện để đốt rác. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào công nghệ này cũng chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề rác thải trên địa bàn.
Không thể chôn lấp thủ công mãi được
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội được tập trung xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm. Hai khu xử lý chất thải của Hà Nội này, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là…chôn lấp hợp vệ sinh.
Xử lý rác thải bằng chôn lấp thủ công vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phân hủy được rác lại quá tải chỗ để chôn lấp, đó là lý do tại những khu xử lý rác thải luôn bị người dân phản đối. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tháng 1/2020 đánh giá, việc rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý.
Có thể nói, chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào hai khu xử lý chất thải đã bị quá tải, khiến “số phận” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh.
Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn (như vụ việc xảy ra mới đây tại bãi rác Nam Sơn), nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như gây mất mỹ quan đô thị.
Không thể xử lý rác bằng chôn lấp thủ công như trước, Hà Nội đã đầu tư cho Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) được phê duyệt chủ trương xây dựng từ năm 2017 với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Công suất xử lý của nhà máy này là 4.000 tấn rác/ngày lấy từ 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ, tro xỉ sau quá trình đốt cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng.
Dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, liệu công nghệ này có giải được bài toán xử lý rác thải đô thị Hà Nội hay không câu trả lời còn ở phía trước.
Cần phân loại rác tại nguồn
Cứ mỗi lần khu xử lý Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chặn, hàng chục nghìn tấn chất thải bốc mùi giữa Thủ đô thì người ta lại quan ngại vấn đề xử lý rác thải. Thế là mọi ánh mắt lại hướng về Nhà máy điện rác có công suất 4.000 tấn/ ngày, đêm được hứa hẹn giải quyết triệt để những bức xúc tồn tại suốt hàng chục năm qua liên quan đến vấn đề xử lý rác thải. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đốt rác bằng điện không phải “chìa khóa vạn năng” giải quyết hết các vấn đề rác thải nhức nhối ở Hà Nội.
Tiến sĩ Edward McBean - chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học Guelph ở Ontario, Canada, cho rằng đem các công nghệ từ châu Âu về xử lý tại các nước châu Á không khó. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là cấu thành rác ở các nước châu Á khác rất nhiều do chúng ta không chịu phân loại rác thải tại nguồn đã gây khó khăn cho việc đốt rác.
“Rác ở hầu hết nước châu Á thường có thành phần phức tạp, không được phân loại bao gồm cả chất hữu cơ, vô cơ và thậm chí rác thải độc hại. Đặc thù ở nước các bạn là rác chứa quá nhiều thành phần tự phân hủy như thức ăn thừa, hoa quả, lá cây, chất thải nông nghiệp... Và các vật liệu này không cháy” - ông Edward McBean nói.
Đốt hỗn hợp các loại rác có thể khiến lò đốt hoạt động không hiệu quả, thậm chí sinh ra nhiều chất độc hại. Đây là thực tế rất nhiều quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi, nâng cấp hệ thống xử lý rác thải.
Ông McBean cho rằng từng loại rác sẽ có phương pháp, hướng xử lý khác nhau và không phải loại rác nào cũng có thể tiêu hủy bằng nhiệt. Các thành phố lớn ở Canada phân loại rác thành 4 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác vô cơ khó phân hủy và sản phẩm từ giấy. Các loại rác thải nguy hại như pin, ắc-quy cũng được thu gom và xử lý riêng.
“Các loại rác này được thu gom vào các thời điểm khác nhau trong ngày và có tần suất tùy thuộc vào lượng rác sản sinh đã được tính toán từ trước. Như rác dễ phân hủy được thu gom 1 lần/ngày, rác giấy, báo sẽ thu gom 2 lần/tuần”, ông McBean chia sẻ.
Nếu không phân loại rác thải khó có công nghệ nào đốt một cách triệt để được. Bởi, dù công nghệ nào đi chăng nữa, chỉ khi rác được phân loại đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo được hiệu năng xử lý và ngăn các khí thải có hại sinh ra trong quá trình đốt. Việc phân loại rác không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý mà còn giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho hệ thống, máy móc xử lý.
Như vậy, nếu mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho Chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Nhiều chuyên gia đề nghị, Việt Nam cần bắt đầu với việc thay đổi thói quen, nhận thức của người dân nhất là nhận thức của trẻ em để cùng chung tay xử lý vấn đề rác thải.
Đổi rác… lấy quà
Không thể không tuyên truyền cho người dân để họ biết cách phân loại rác từ đầu nguồn. Và muốn để người dân đồng hành cùng chính quyền trong việc chung tay giải quyết vấn đề rác thải cần có những việc làm, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, bắt đầu từ đầu tháng 8 này, dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội” do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với các đơn vị triển khai trên địa bàn Thủ đô đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó phòng Kinh doanh và Truyền thông (Urenco), cho biết, vào thứ Bảy hằng tuần, khi người dân mang rác tái chế đến các điểm trên địa bàn thành phố sẽ được đổi quà như xà phòng, dầu gội, sữa tắm…
“Qua hoạt động đổi quà từ rác tái chế, chúng tôi mong muốn chuyển tải đến người dân thông điệp: Rác chưa phân loại thì chỉ là rác, rác phân loại rồi thì rác là tài nguyên, có giá trị như những mặt hàng tiêu dùng ở đây” - bà Ninh chia sẻ.
Hiện Urenco triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại Hà Nội, thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Bà con cũng có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại, liên hệ với nhân viên môi trường để đặt lịch thu gom rác tái chế.
Sau hơn 1 tháng triển khai, đơn vị đã thu gom được trên 6,8 tấn rác các loại. Sau khi tiếp nhận rác từ bà con, đơn vị này tiếp tục phân loại một lần nữa để chuyển về kho và mang đến các địa điểm tái chế rác thải.
Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết: “Để gỡ bỏ nút thắt trong quản lý rác thải nhựa một cách bền vững, chúng tôi lập kế hoạch hành động để phối hợp chặt chẽ cùng Urenco và chính quyền địa phương, từng bước tạo lập thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân, giúp cho việc thu gom và tái chế rác thải nhựa được thuận lợi hơn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chúng tôi tin rằng, Chương trình khi được triển khai sẽ góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm “trắng” cho Thủ đô Hà Nội. Từ chương trình hợp tác với Urenco rất có ý nghĩa này, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình điểm và thu hút sự tham gia, chung tay từ nhiều doanh nghiệp khác cùng hợp tác với Unilever và Urenco để nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc”.
Về vấn đề xử lý rác thải, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu các sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ để cụ thể hoá đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các đề tài mang tính ứng dụng cao, thiết thực cho lĩnh bảo vệ môi trường. UBND các quận, huyện, thị xã và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò của người đứng đầu trong hệ thống chính trị tại cơ sở, sự vào cuộc và nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư và trong đời sống hàng ngày.