Nỗi lo đến từ ‘tử thần amip ăn não’
Ngày 26/9, Ủy ban quản lý chất lượng môi trường Texas (Mỹ) đã phát đi cảnh báo về việc sử dụng nước máy từ đơn vị cung cấp nước địa phương là Brazosport Water Authority sau khi phát hiện amip ăn não Naegleria fowleri trong nguồn nước.
Đó là một thông báo chấn động đã chính thức xác nhận có vi khuẩn “ăn não” vô cùng nguy hiểm. Thông báo này khiến người dân Mỹ thêm lo lắng khi mà virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành, thì lại thêm một “tử thần” nữa xuất hiện.
Vụ việc bắt đầu từ đầu tháng 9/2020 khi thành phố Lake Jackson phát hiện một bé trai 6 tuổi nhiễm amip nhập viện và nguyên nhân được xác định là từ nguồn nước. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), amip ăn não (Naegleria fowleri) là loại vi sinh vật đơn bào thường có trong đất và nước ngọt, theo nguồn nước bẩn xâm nhập vào cơ thể qua mũi, từ đó di chuyển đến não và gây ra căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm.
Trong tổng số 145 người bị nhiễm từ 1962 đến 2018 tại Mỹ, chỉ có 4 người sống sót. Từ năm 2009 đến 2018, nước này đã ghi nhận 34 trường hợp nhiễm amip, trong đó 30 ca bị nhiễm từ các đài phun nước giải trí.
Nhiễm trùng Naegleria fowleri thường gây tử vong và xảy ra khi mọi người đi bơi hoặc lặn ở những vùng nước ngọt ấm áp như sông, hồ. Trong một số trường hợp rất hiếm, nhiễm trùng Naegleria cũng có thể xảy ra khi nước bị ô nhiễm từ các nguồn khác, chẳng hạn như nước bể bơi được khử trùng bằng clo hoặc nước máy bị ô nhiễm và xâm nhập vào mũi.
Tình trạng ô nhiễm các hệ thống nước công cộng đã qua xử lý của Mỹ do vi khuẩn là rất hiếm, tuy nhiên không phải là điều chưa từng thấy. Theo CDC, những ca tử vong đầu tiên do vi khuẩn Naegleria fowleri trong nước máy từ các hệ thống nước công cộng đã qua xử lý đã từng xảy ra ở miền nam Louisiana nước Mỹ vào năm 2011 và 2013.
Với nước Mỹ, kể từ năm 2003, loại vi khuẩn này cũng được phát hiện trong một hệ thống nước sạch từ giếng địa nhiệt chưa qua xử lý ở Arizona. Còn thì người ta cũng đã “nghi ngờ” sự xuất hiện của nó ở Australia (năm 1970) và Pakistan (năm 2008).
1. Theo Cơ quan Y tế bang Florida (Mỹ), amip ăn não chỉ xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi khi bị sặc hay ngộp nước vào mũi. Các triệu chứng bao gồm: đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, cứng gáy, co giật, ảo giác và hôn mê... Bệnh viêm màng não do amip là bệnh cấp tính, phát bệnh trong thời gian khoảng một tuần, dẫn đến tử vong trong vòng 1 - 18 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Thật đáng lo ngại, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh amip ăn não người đang có nguy cơ quay trở lại. Cơ quan này cho rằng đây là căn bệnh lạ và hiếm gặp nhưng mức độ nguy hiểm rất cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
Theo thống kê, tại Mỹ, từ năm 1937 đến năm 2007 có 121 người mắc bệnh. Từ 2001 đến năm 2011 có tới 35 ca tử vong, trong đó có 32 ca tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước tại các khu vực vui chơi giải trí công cộng. Một số quốc gia như New Zealand, từ năm 1968 đến năm 1978 có 8 ca tử vong vì amip N.fowleri. Tại Anh, năm 1979 có 1 bé gái tử vong sau khi tắm tại một bể bơi của thành phố Bath, sau đó người ta xét nghiệm và phát hiện thấy hồ tắm này bị nhiễm N.fowleri.
Trường hợp bé gái 12 tuổi, Kali Harding, cũng không ngoại lệ. Theo bà Traci thì con gái bà bị bệnh sau khi tắm ở bể bơi của Công viên nước Willow Spring, Little Rock, Arkansas. Ngay sau khi tắm, Harding đã bị sốt, nôn ói, đau đầu dữ dội, mắt lờ đờ. Qua khám bệnh, bác sĩ phát hiện Harding mắc bệnh do sinh vật đơn bào ăn não người có tên N.fowleri gây ra.
“Chúng thâm nhập cơ thể con người qua đường mũi và di chuyển dọc theo dây thần kinh khứu giác lên não, sau đó bắt đầu phá hủy mô và “ăn thịt” não”- một vị bác sĩ mô tả.
Amip N.fowleri được hai bác sĩ M. Fowler và RF Carter nhắc đến lần đầu tiên tại Australia vào năm 1965. Sau đó được Fowler chính thức đặt cho tên gọi là viêm màng não amip sơ cấp (PAM) để phân biệt với căn bệnh thứ cấp gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương (CNS) do các loại amip khác gây ra. N.fowleri là một loại sinh vật đơn bào, sống tự do, thường tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm. Nó cũng được tìm thấy trong đất, gần khu nước thải ấm của các nhà máy công nghiệp, bể bơi không được xử lý bằng clo.
Bình thường, chúng thường tìm và ăn vi khuẩn hoặc cũng có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi. Đôi khi N.fowleri có thể “tàng hình” tạo thành dạng bào nang, nhất là khi môi trường khắc nghiệt. Đây là thế mạnh của N.fowleri nên loại đơn bào này có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt. Tại những vùng nhiệt đới, điều kiện ấm áp, N.fowleri phát triển rất nhanh và mạnh, có nhiều trong nước kém vệ sinh, trong thức ăn, rau sống, tay bẩn có dính kén amip, sau đó thâm nhập cơ thể. Nếu ở mức độ nhẹ có thể gây rối loạn tiêu hóa và nặng có thể gây áp-xe, gây bệnh lỵ, đau quặn, đi ngoài ra phân, máu...
Nếu nhiễm amip N.fowleri đường tiêu hóa và được điều trị kịp thời thì sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng một khi nó chui lên não thì cực kỳ nguy hiểm, gây viêm não và nặng có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong lên tới 98% thông qua cơ chế ăn các nơ-ron thần kinh, gây đau đầu khủng khiếp, sốt cao, ảo giác và thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi.
2. Cho tới nay, giới khoa học vẫn không lý giải được vì sao hàng triệu người tiếp xúc với amip gây nhiễm trùng N.fowleri mỗi năm, nhưng chỉ một số ít trong số họ bị bệnh. Tuy nhiên, để cảnh báo về căn bệnh chết người này, người ta đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo với các triệu chứng như sau:
Thay đổi về khứu giác hoặc vị giác; Sốt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Cứng cổ; Nhạy cảm với ánh sáng; Buồn nôn và ói mửa; Mất cân bằng cơ thể; Hay nhầm lẫn; Buồn ngủ; Động kinh; Xuất hiện ảo giác.
Amip không lây từ người sang người hoặc từ người bệnh sang nước. Ở những vùng nước ấm (khoảng 35 độ C) loại ký sinh trùng này phát triển mạnh. Đáng tiếc với nhiệt độ nước này lại chính là nơi trẻ em thích nô đùa, bơi lội.
Theo CDC Hoa Kỳ, để giảm nguy cơ nhiễm trùng N.fowleri thì không bơi vào hoặc nhảy xuống những hồ nước ngọt và có nước ấm. Bịt mũi hoặc sử dụng kẹp mũi khi nhảy hoặc lặn vào những vùng nước ấm. Không làm xáo trộn trầm tích lắng ở dưới hồ/bể bơi/ao khi bơi ở vùng nước nông và ấm.
Cho tới nay, người ta đã tìm đủ cách để cứu những người không may bị amip “ăn não” tấn công, nhưng kết quả là không đáng kể. Rất ít người bị nhiễm có thể sống sót. Tuy nhiên, phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng cho sự sống còn của người bệnh. Hiện phương pháp điều trị chính cho nhiễm trùng amip “ăn não” là thuốc kháng nấm, amphotericin B tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm vào xung quanh tủy sống của người bệnh để tiêu diệt chúng.
Cũng có thể kể đến một loại thuốc đang được thử nghiệm, Miltefosine, có tác dụng kiểm soát phù não. Nhưng nó vẫn không phải là “khắc tinh” với amip ăn não.
Như vậy là, cùng với mối lo đến từ SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thì người ta lại thêm lo âu trước con “amip ăn não” đầy nguy hiểm này. “Nhưng dù thế thì chúng ta vẫn phải tiến lên phía trước. Nếu con người không mạnh mẽ thì chính chúng ta sẽ quật đổ chúng ta chứ không phải là do vi khuẩn hoặc virus” - Michaell Lorentinot, một nhà vi trùng học hàng đầu Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên.