Tiếp cận ‘4 xin’
Từ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Phó Thủ tướng) đã yêu cầu cán bộ, công chức khi giao tiếp với dân phải biết “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Song, thời gian qua, tỷ lệ cán bộ, công chức học được “4 xin” không nhiều, vì thế công cuộc cải cách hành chính chưa được như kỳ vọng, điều đó thể hiện ở chỉ số hài lòng của người dân với các cơ quan công quyền được công bố hàng năm.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã gửi lời xin lỗi tới người dân tỉnh Quảng Bình, vì đỗ xe gây ách tắc giao thông trên cầu Nhật Lệ 1. Việc làm của Thứ trưởng Toàn không chỉ khiến người dân Quảng Bình “mát lòng, mát dạ”, mà còn được dư luận xã hội khen ngợi. Vốn dĩ khi ai đó làm sai thì việc phải xin lỗi là đương nhiên, vậy mà Thứ trưởng Toàn xin lỗi lại trở thành “hiện tượng lạ”.
Làm sao có thể không lạ, khi mà lâu nay thật hiếm hoi có vị quan chức nào mở lời xin lỗi người dân dù là “sai mười mươi”. Chỉ trừ một số cơ quan tố tụng, khi bị cơ quan có thẩm quyền chỉ ra rằng, việc khởi tố, truy tố, xét xử là vi phạm pháp luật, gây oan sai cho người dân, lúc đó họ mới buộc phải xin lỗi theo quy định của pháp luật. Còn đợi tự xin lỗi vì cầu thị thì... hãy đợi đấy.
Lạ là có vị hầu như không có thói quen xin lỗi khi làm sai, ban hành những văn bản trái pháp luật, quyết định gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Họ luôn chọn hai cách, hoặc là “lờ” đi, đợi cho dư luận đi qua và sự việc chìm dần vào quên lãng, còn nếu không “be chắn” được thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền cách chức, nặng hơn là... “xộ khám”, chứ dứt khoát không chịu xin lỗi.
Lúc đương chức, “thét ra lửa” thì không chịu xin lỗi, nhưng cứ bị đưa ra tòa, đối mặt với các bản án hình sự nghiêm khắc thì lại “gửi lời xin lỗi” tới nhân dân, thậm chí rớt nước mắt nhận sai. Dư luận xã hội cho rằng, lúc đương chức mà cầu thị, nhận ra sai lầm để sửa chữa thì mới quý, chứ lúc đã ra tòa rồi thì hối hận phỏng có ích gì cho dân, cho nước?
Tiếc rằng, vẫn có người không hiểu được đạo lý đơn giản đó. Khi mà hành vi vi phạm pháp luật chưa bị cấp trên xử lý kỷ luật, chưa bị các cơ quan bảo vệ pháp luật “hỏi thăm” thì chưa chịu nhận lỗi mà vẫn dương dương tự đắc, ỷ thế làm liều.
Khi sai mà cán bộ, công chức còn không chịu cầu thị xin lỗi, làm sao có thể trông chờ họ nói lời xin chào, xin cảm ơn và xin phép đây? Với không ít cán bộ, công chức, tiếng là “công bộc” của dân, song họ lại luôn cho mình cái quyền hách dịch, kẻ cả, cậy thế, lộng quyền khi giải quyết công vụ. Với lối suy nghĩ của “quan phụ mẫu” như vậy, làm sao họ có thể mở lời chào người dân, cảm ơn người dân, thậm chí là xin phép người dân?
Vâng, đó là lý do giải thích vì sao việc Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn gửi lời xin lỗi người dân Quảng Bình lại trở nên “độc” và “lạ”. Thứ trưởng Toàn hoàn toàn có thể “noi gương” rất nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương khác, cố gắng biện bạch cho việc đỗ xe ô tô giữa cầu, gây ách tắc giao thông là có lý do, vì đang thi hành công vụ. Song, thay vì cố gắng bao biện, ông Toàn lại chọn cách hành xử văn minh là nói lời xin lỗi. Vậy là Thứ trưởng Toàn đã tiếp cận được “1 xin” trong số “4 xin” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ!