Bắt đầu từ giáo viên

Vi Cầm 05/10/2020 08:00

Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh. Nhưng có nhiều băn khoăn được đặt ra: Với thời gian ngắn thế, liệu các giáo viên có kịp thay đổi hay không?

Ảnh minh họa.

Nếu tính từ hôm nay, còn đúng nửa tháng nữa, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học có hiệu lực thi hành, với rất nhiều những quy định mới. Trong đó đáng chú ý là việc giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. Giáo viên không dùng điểm bài kiểm tra để so sánh học sinh này với học sinh khác…

Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh. Nhưng có nhiều băn khoăn được đặt ra: Với thời gian ngắn thế, liệu các giáo viên có kịp thay đổi hay không? Hiện tại, những nếp đánh giá cũ, cách làm cũ vẫn đang phổ biến.

Đơn cử ngay tại Hà Nội, nhiểu giáo viên tiểu học vẫn có thói quen kiểm tra bài đầu giờ, sau đó ghi tên những bạn thuộc bài vào một cột, những bạn chưa thuộc bài vào một cột trên bảng, rồi chụp ảnh lại rồi gửi qua zalo…thông báo trong nhóm chung phụ huynh. Một hai lần như thế thì chưa vấn đề gì, nhưng chuyện này tái diễn gần như hàng ngày, thì quả là những phụ huynh có con hay bị “bêu” tên cũng thấy quá ư kỳ cục và bất bình.

Lại có những cháu chưa làm hết bài tập về nhà, liền bị cô lôi lên bục giảng đứng, bắt quay mặt xuống lớp để các bạn nhìn cho rõ…Trẻ con rất nhạy cảm, chúng dù ít tuổi nhưng cũng sớm nhận ra đó là sự sỉ nhục, hôm sau đã có cháu khóc lóc, nhất định xin không đến lớp nữa, hoặc xin cha mẹ chuyển lớp khác. Như vậy rõ ràng, việc phê bình học sinh trước lớp và trước toàn trường là một hành vi phản giáo dục và phản tác dụng. Nó giống như đem đứa trẻ ra đấu tố.

Trong các cuộc họp phụ huynh, việc thông báo công khai kết quả học tập của học sinh như cách làm lâu nay, âu cũng không hẳn là một việc hay. Có rất nhiều chuyện bi hài sau những cuộc họp phụ huynh, mà đưa trẻ chính là nạn nhân. Chúng thường bị lôi ra so sánh với bạn A, bạn B… rằng sao cũng đi học mà bạn điểm tốt còn con điểm kém.

Việc bị so sánh, áp đặt với “con nhà người ta” khiến cho học trò trở nên lỳ bướng, bất hợp tác, thậm chí tình hình trở nên tệ hơn so với mong muốn của bố mẹ. Họ không biết rằng con họ có thể kém bạn môn toán, môn ngoại ngữ, nhưng lại rất có năng khiếu trong môn mỹ thuật, âm nhạc… Ở lớp thì cô phê bình, về nhà bố mẹ chì chiết, chính vì không chịu nổi những sự so sánh ấy đã từng có những đứa trẻ căm ghét gia đình, chúng luôn cảm thấy mình là đồ bỏ đi hoặc gánh nặng của người lớn.

Có thể coi quy định không phê bình học sinh trước lớp là cuộc cách mạng giáo dục hướng đến sự trưởng thành toàn diện cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho trẻ... Nhưng để mong muốn ấy trở thành hiện thực, rất cần sự thay đổi từ chính giáo viên, họ phải được tạo điều kiện để đọc/học và tập huấn Điều lệ trường học để làm mới mình, qua đó thay đổi phương pháp sư phạm theo yêu cầu mới. Khó có chuyện nói đổi mới là thay đổi ngay trong ngày 1, ngày 2…

Vi Cầm