30 phút mưa gió, 600 cột điện bị hạ gục
Bão số 5 khi vào đất liền (khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) cũng không to tát gì, thế nhưng nó đã kịp hạ gục hàng loạt cột điện bê-tông.
Lúc đầu, người ta chỉ biết số cột điện bị quật đổ tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, với con số gần 300. Nhưng mới đây, khi cơ quan chức năng chính thức thông bão mới thấy thật ghê gớm. Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), bão số 5 làm hỏng 616 cột điện ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó 304 cột bị gãy, 169 cột đổ, 143 cột nghiêng. Trong 304 cột gãy có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường. Đây là tình trạng hi hữu nhất từ trước đến nay với những cây cột điện bê-tông cốt thép.
Tất nhiên người ta đã đưa ra những giải thích. Ví dụ như, theo Bộ Xây dựng, ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì cột điện chưa đáp ứng quy định.
Từ đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương là bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào cuộc xem xét.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này. Ông Hải cho biết thêm, Bộ Xây dựng phụ trách quản lý nhà nước về chất lượng công trình.
Như thể có thể hiểu rằng Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương mỗi bộ “liên đới” một phần. Bộ nào chịu trách nhiệm chính thì chưa rõ.
Dư luận cho rằng, không chỉ khắc phục hậu quả, giải thích nguyên nhân đẫn dến sự cố, hoặc là “chia” trách nhiệm; mà quan trọng hơn và gốc rễ hơn là phải tìm cho ra nơi nào phải chịu trách nhiệm chính. Thiệt hại lớn đến thế thì phải có người chịu trách nhiệm, không thể đổ cho ông Trời. Nếu không “truy tận gốc” trách nhiệm đền bù thì rất có thể sẽ lại “đánh bùn sang ao”, thiệt hại lại do Nhà nước và người sử dụng điện gánh.