Bất động sản khách sạn, du lịch: Chưa có dấu hiệu phục hồi
Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian từ nay đến hết năm 2021, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường này vẫn chưa hết khó khăn bởi những tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng, lưu trú sẽ còn tiếp tục đối diện với thách thức.
Hàng loạt khách sạn rao bán
Do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6%, Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt trên 3 triệu lượt, chiếm 80,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 580.000 lượt, chiếm 15,4% và giảm 74,2%; bằng đường biển đạt 144.000 lượt người, chiếm 3,8% và giảm 15,9%.
Tuy nhiên, phần lớn khách quốc tế trong giai đoạn này chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, lưu học sinh nước ngoài quay trở lại Việt Nam học tập.
Thực tế này kéo theo hoạt động kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn. Minh chứng rõ rệt nhất là việc hàng loạt khách sạn tại nhiều địa phương đang được các chủ đầu tư rao bán.
Chỉ cần lên mạng gõ tìm kiếm “mua bán khách sạn” lập tức hiện ra các trang rao bán hàng loạt khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu... những nơi giàu tiềm năng du lịch của cả nước. Trên trang “alo nhà đất.com”, dễ dàng nhận thấy trong một ngày có tới hàng chục lời rao bán khách sạn tại các điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, như bán khách sạn trên phố Đinh Tiên Hoàng với giá 228 tỷ đồng, chủ đầu tư không quên ghi chú địa điểm là nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Hay một chủ đầu tư rao bán khách sạn trên phố Nguyễn Hữu Huân với giá 290 tỷ đồng…Đáng chú ý, hầu hết các khách sạn được rao bán đều nằm ở vị thế đẹp, trước đây thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế của thủ đô.
Tại những địa phương cũng nổi tiếng về du lịch như Đà Nẵng, Vũng Tàu tình hình cũng không sáng hơn được. Nhiều khách sạn nghỉ dưỡng tại các địa phương này được chủ đầu tư rao bán suốt nhiều tháng qua. Thế nhưng, theo chia sẻ của các chủ đầu tư, việc buộc phải rao bán cũng là “cực chẳng đã”, đây chính là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn. Tuy nhiên, để bán được không đơn giản chút nào. Bởi dịch bệnh hoành hành đã khiến các DN kiệt quệ, rất hiếm nhà đầu tư còn đủ lực để “ôm” và họ cũng không nào dám mạo hiểm bỏ một khoản tiền lớn ra đầu tư vào bất kỳ kênh nào thời điểm này, nhất lại là kênh bất động sản phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng
Thách thức phía trước
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết trong các phân khúc, bất động sản du lịch – lưu trú chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Đại dịch đã tác động mạnh đến ngành du lịch kéo theo sự đổ vỡ của bất động sản du lịch.
“Và những khó khăn này dự kiến sẽ còn kéo dài. Kể cả bất động sản có thể hồi phục nhưng riêng phân khúc bất động sản du lịch, khách sạn sẽ chưa thể hồi phục ngay”, ông Đính nhận định.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nêu quan điểm, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số.
Việc tái bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó TP Hồ Chí Minh ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%.
Ngoài ra, trong 8 tháng năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ vẻ lạc quan khi vẫn nhìn ra hướng tích cực đó là, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ.
“Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và tháng 10 mặc dù đã bắt đầu vào mùa du lịch nội địa thấp điểm”, ông Mauro Gasparotti nói đồng thời nêu lên nhận định, năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành bất động sản Việt Nam, đặc biệt là đối với phân khúc bất động sản khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng vì những tác động của Covid-19 lên ngành du lịch là quá nặng nề.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ, ông vẫn tin rằng, dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, về trung, dài hạn vẫn còn nhiều lý do để có thể lạc quan. Bởi những khó khăn hiện tại vẫn đang nằm trong tính toán mà thị trường cũng như các doanh nghiệp đã xác định trước. Nhìn rộng hơn về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng trưởng âm. Theo World Bank, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có thể có sự tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020.
Chỉ cần lên mạng gõ tìm kiếm “mua bán khách sạn” lập tức hiện ra các trang rao bán hàng loạt khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu... những nơi giàu tiềm năng du lịch của cả nước. Trên trang “alo nhà đất.com”, dễ dàng nhận thấy trong một ngày có tới hàng chục lời rao bán khách sạn tại các điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.