Đứt nguồn thuốc điều trị giữa lúc dịch tay chân miệng bùng phát
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, giai đoạn cuối năm được dự báo dịch sẽ đạt đỉnh. Tuy nhiên, thuốc phenobarbital bị gián đoạn đang gây khó khăn cho việc điều trị.
Trẻ mắc tay chân miệng tăng nhanh
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.
Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường tấn công nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao nhất diễn ra trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng.
Cùng với những diễn biến theo mùa bởi sự tác động của các yếu tố thời tiết, sau 1 tháng học sinh tựu trường trong năm học mới, bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh trên địa bàn TP HCM.
Thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) cho thấy, đến đầu tháng 10 toàn thành phố ghi nhận gần 6.400 ca mắc tay chân miệng. Trong tuần cuối của tháng 9 số ca bệnh phải nhập viện điều trị lên tới 640 ca. Đây là tuần có số ca bệnh nhập viện cao kỷ lục trong 3 quý đầu năm.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh cho biết thời điểm giãn cách xã hội, khoa không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, trong 1 tháng trở lại đây, số ca bệnh liên tục tăng và tăng rất nhanh. Ngày 5/10, bệnh viện đang điều trị cho hơn 30 trường hợp trong đó có 2 trẻ ở giai đoạn nặng. Nếu không có giải pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả, từ nay đến cuối năm, bệnh sẽ tiếp tục tăng nhanh đe dọa sức khỏe của nhóm trẻ nhỏ.
Theo BS Hữu Khanh, trong giai đoạn cách ly dịch Covid-19, trẻ không có giao thương với nhau nên cơ thể không có miễn dịch cơ bản. Do đó, khi trẻ đến trường đi học hoặc tiếp xúc với nguồn lây, nguy cơ nhiễm tay chân miệng sẽ tăng cao. Số ca bệnh tăng nhanh trong tháng qua là dấu hiệu cảnh báo.
Đứt nguồn cung thuốc điều trị co giật
Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, trong điều trị bệnh thuốc phenobarbital được chỉ định cho những trường hợp bệnh nặng, chống co giật, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, các bệnh viện chuyên khoa nhi và nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã rơi vào tình trạng khan hiếm hoặc hết thuốc phenobarbital.
Trong danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành năm 2018, thuốc phenobarbital được sử dụng cho phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Thuốc được dùng khi bệnh nhi bệnh tay chân miệng bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B) để xử lý tình trạng co giật. Thuốc có thể được sử dụng theo hình thức tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
Để ứng phó trong tình huống hết thuốc phenobarbital, bảo đảm hoạt động điều trị hiệu quả cho trẻ mắc tay chân miệng, BS Hữu Khanh cho biết: “Chúng tôi đã họp hội đồng chuyên môn, bàn giải pháp ứng phó. Theo đó, những trẻ mắc tay chân miệng sẽ được theo dõi sát hơn, nếu cần sẽ sử dụng IVIG (Immunoglobulin) không để bệnh nhân chuyển nặng vì thiếu thuốc. Tuy nhiên, những trẻ phải sử dụng IVIG chi phí sẽ phát sinh thêm hàng chục triệu đồng”.
Ngay từ thời điểm thuốc phenobarbital có nguy cơ hết hàng, các bác sĩ điều trị đã thông báo cho bệnh viện. Sở Y tế TP HCM cũng đã gửi công văn đến Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp cung ứng trở lại.
BS Hữu Khanh nhận định thuốc phenobarbital được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Tình trạng thiếu thuốc diễn ra có khả năng là do gián đoạn nguồn nguyên liệu phục cho sản xuất của các nhà máy do tác động của dịch Covid-19.
"Chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý sẽ sớm tìm được nguồn hàng thay thế để đáp ứng việc điều trị và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân”, BS Hữu Khanh nói.
Bác sĩ khuyến cáo việc phòng bệnh cần phải đặt lên hàng đầu. Khi ở nhà hoặc đến trường, phụ huynh cũng như người chăm sóc trẻ cần thực hiện triệt để các nguyên tắc ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Trẻ và người trông giữ trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Người lớn cần vệ sinh bàn tay, mang khẩu trang trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ và sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Làm sạch và khử trùng các bề mặt bẩn, các bề mặt thường xuyên chạm vào và các đồ dùng chung, bao gồm cả đồ chơi và tay nắm cửa; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Cha mẹ cần chủ động theo dõi để phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm do bệnh tay chân miệng có thể xảy ra. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.