Sách giáo khoa lớp1: Không kêu nặng mới lạ!
Câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020- 2021 đang là đề tài thu hút dư luận. Trên các diễn đàn, mạng xã hội hay đứng ở cổng trường tiểu học chờ đón con chừng 10-15 phút thôi, cũng nghe thấy các bậc phụ huynh bảo nhau học SGK mới năm nay khó thật.
Phụ huynh, giáo viên nói có…
Đơn cử như tầm này năm ngoái, các học sinh (HS) lớp 1 còn đang luyện chữ o, a, cùng lắm là bắt đầu viết sang chữ 2 âm tiết thôi, con tôi nay đã viết nguyên cụm từ “kỳ nghỉ hè” trong khi ô nọ, ly kia vẫn còn chuệch choạc, chưa nhớ rõ thì làm sao bé viết được? Hay một phụ huynh cho biết, cô giáo yêu cầu phụ huynh về nhà đọc cho con chép “củ nghệ, cá kho” trong khi viết mẫu, bảo con chép lại bé còn thấy khó nữa là con tự nghĩ, tự viết.
“Chương trình tổng thể thế nào phụ huynh không biết, nhưng SGK thì cầm trên tay đây rồi. Bài tập mỗi ngày cô giao đây. Chỉ làm một phép so sánh đơn giản với chương trình, SGK lớp 1 năm ngoái, con tập viết nhẹ nhàng trong khi năm nay căng thẳng thế này, không kêu nặng mới lạ” - một phụ huynh bức xúc.
Về phía giáo viên, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm với HS, nhiều thầy cô cũng thông báo cô và trò năm nay xác định vất vả hơn mọi năm. Thứ nhất, đầu vào năm nay các HS đuối hơn mọi năm do thời gian nghỉ dịch dài, các HS ít được làm quen với chữ cái, các nét cơ bản từ mẫu giáo. Thứ hai, SGK và chương trình mới, giáo viên cũng đã được tập huấn bồi dưỡng rồi nhưng đây là năm đầu tiên dạy, cô cũng lần đầu tiếp cận nên sẽ phải vừa dạy vừa cân đối với khả năng tiếp thu của HS để có điều chỉnh trong quá trình học nên có thể, với một số bạn sẽ cảm thấy vất vả hơn.
Với SGK cụ thể là Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, một giáo viên dạy lớp 1 chỉ ra so với SGK hiện hành, đến tuần 24, HS mới học hết vần. Sang tuần 25, các HS mới luyện đọc văn bản khoảng 4-5 câu hoặc khổ thơ ngắn. Với sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, hết tuần 15, HS phải học hết âm, vần, đọc lưu loát đoạn văn. Với cách học dồn lên như vậy, đương nhiên số lượng âm vần trong mỗi bài phải tăng, một bài phải học đến 4 vần chẳng hạn. Tương tự, chữ viết cũng đẩy nhanh.
…Bộ nói không
Tại cuộc họp báo quý III của Bộ GDĐT mới đây, vấn đề này cũng được báo chí phản ánh đến Bộ GDĐT. TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ chưa nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản từ cá nhân hay tổ chức nào phản ánh chương trình nặng. Vì chương trình mới vừa bắt đầu được 1 tháng nhưng nhiều ý kiến kêu “nặng”, ông Tài cho rằng chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ.
Ông Tài cho biết, chủ trương khi xây dựng chương trình lớp 1 mới, sau khi kết thúc năm học, cố gắng các em có thể đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt nhằm học những môn khác. Nên về mặt kiến thức của môn Tiếng Việt không cao hơn chương trình hiện hành, thậm chí tinh giản. Về thời lượng của môn này được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết. Tức là tần suất học tiếng Việt của HS khi học chương trình mới sẽ nhiều hơn số tiết của môn Tiếng Việt của chương trình hiện hành nên nhiều người ngỡ như vậy là nặng!
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT cũng cho rằng không có cơ sở để nói sách Tiếng Việt mới nặng. GS Thuyết phân tích, chương trình Tiếng Việt lớp 1 có mục đích chính là dạy HS biết đọc, biết viết. Để HS biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng phải yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. “Hiện nay có 5 bộ sách, có thể có những sách cố gắng dạy xong hết các chữ, các vần tiếng Việt trong học kỳ 1, có sách dạy đến gần hết năm học. Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi một bài, giáo viên chỉ dạy tối đa 2 chữ hoặc 2 vần thôi thì mới thong thả”- GS Thuyết nêu quan điểm.
Như vậy, câu chuyện SGK Tiếng Việt 1 nặng hay nhẹ là… phụ thuộc vào từng giáo viên? Nhất là với quan điểm, SGK chỉ là chất liệu để thực hiện các yêu cầu cần đạt trong dạy và học. Giáo viên có thể tham khảo các bộ SGK đã được phê duyệt và những tài liệu khác để thiết kế bài giảng phù hợp với từng đối tượng HS. Tuy nhiên, hầu như tất cả các lớp 1 hiện nay đều không chọn lọc đầu vào, trong một lớp có cả HS khá giỏi với HS chậm tiếp thu, HS đã học trước và HS chưa học gì. Việc thiết kế bài tập, dạy riêng cho từng em trong một lớp 50 HS có là một nhiệm vụ bất khả thi đối với hầu hết các giáo viên…
* Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh là đại diện cơ quan quản lý đầu tiên thừa nhận học sinh lớp 1 trên địa bàn đang khó tiếp cận chương trình, nổi cộm là môn Tiếng Việt. Ông mong phụ huynh bình tĩnh, không nên quá sốt ruột. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng, không gây quá tải, không nhận xét phê bình áp lực cho HS.
* Theo TS Thái Văn Tài, Bộ GDĐT cũng đưa ra quy định “mở” có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện chương trình GDPT mới. Quá trình triển khai, Bộ sẽ lắng nghe những ý kiến phát sinh trong thực tế. Khi đã đủ thời gian, đủ ý kiến của các nhà khoa học, chúng ta sẽ tổ chức đánh giá lại chương trình.