Tố Hữu- Cách mạng và thơ, thơ và cách mạng
Năm 2020 này Tố Hữu vừa tròn 100 tuổi. Tố Hữu có lần nói rằng ông danh chính ngôn thuận là người làm chính trị. Sự nghiệp cả đời của ông cũng là sự nghiệp chính trị.
Nhưng, ai cũng biết, trời sinh ra ông là một nhà thơ, nhà thơ thiên bẩm trong ông trước khi con người chính trị ở ông định hình đã liên tục lôi kéo hồn thơ của ông về với nghiệp của người cầm bút. Suốt cuộc đời mình, ông chưa bao giờ từ bỏ hay rẻ rúng nhà thơ trong ông, dù ông biết làm “một cây chông trừ giặc Mỹ” vẫn “hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tiễn đưa), thậm chí ông còn cho rằng chuyện thơ và chuyện đời luôn gắn với nhau, không chỉ có chính trị mới gắn với đời “lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ” mà ở chiều khác, “càng thấu nhân tình” thì càng không thể bỏ thơ (Tâm sự).
Những vấn đề, con người, hiện thực trong cuộc đấu tranh chính trị, đúng hơn là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh thống nhất đất nước của cả dân tộc là chỗ dựa, là nguồn cảm hứng cho hồn thơ Tố Hữu bay lên, khiến ông trở thành “con chim sơn ca của cách mạng”. Nhìn lại cuộc đời chính trị và thơ ca của ông, dù yêu thích thơ ông hay không, yêu hay không con người chính trị, con người quản lý trong ông thì cũng không thể không thừa nhận rằng ở giai đoạn nào của cuộc chiến tranh giành độc lập và xây dựng đất nước Tố Hữu cũng là một trong những người có thơ sớm nhất, vào loại tiêu biểu và say người nhất, có sức kêu gọi rộng rãi nhất, để lại những ảnh hưởng lớn nhất đến thơ ca Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Dù gọi là trữ tình chính trị hay một tên nào khác thì những bài thơ của ông cũng cắm những cái mốc mà không mấy nhà thơ khác đã có được. Những Vui bất tuyệt, Huế tháng 8, Việt Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Bài ca mùa xuân 61, Quê mẹ, Hãy nhớ lấy lời tôi, Tiếng hát sang xuân, Chào Xuân 68, Nước non ngàn dặm, Việt Nam, máu và hoa… là những cái mốc như thế. Còn có thể kể thêm một số bài, một số đoạn khác nữa nhưng thiết nghĩ, với một người cầm bút mà sự nghiệp thơ ca chỉ được coi là thứ yếu, những bài thơ được viết ra là vì cách mạng nhưng giữa cuộc đời tranh đấu, giữa chuyện sống chết của cả một dân tộc với hồn thơ lúc nào cũng rung lên nhưng tiếng đồng vọng như vậy, hỏi được mấy người? Cho nên, dù nhà thơ có nói như ở trên thì người đọc luôn nhận thấy với ông, cách mạng và thơ, thơ và cách mạng gắn bó với nhau trong một liên hệ không thể tách rời, nó như là hai mặt của một chiến sĩ-nghệ sĩ. Giữa cái chung và cái riêng dường như không có khoảng cách.
Ông là ví dụ điển hình, hiếm hoi có sự hòa quyện, đồng điệu giữa sự nghiệp chính trị và hồn thơ. Thơ chính trị của ông không ít hô hào nhưng không thô, không hô khẩu hiệu thuần túy mà nó thấm đượm những tình cảm tự nhiên của cuộc sống, con người nên có người đã đặt tên cho xu hướng này là “trữ tình chính trị” trong thơ nhưng có lẽ chỉ có mình ông mới đạt tới sự nhuần nhị như vậy.
Tố Hữu là người nhất quán trong quan niệm, cách viết từ khi mới cầm bút cho đến cuối đời. Trừ Một tiếng đờn ra đời khi đã rời chính trường, nó thể hiện những chiêm nghiệm của ông về cuộc đời, lẽ sống, chung riêng. Đến bây giờ đọc thơ ông mới thấy có những day dứt, nỗi buồn, sự cô đơn mới là bản thân nó còn trước đây, điều đó cũng có (con người mà) nhưng mang ý nghĩa khác. Ông đưa trực tiếp đời sống vào thơ, đề tài nào cũng có thể đi vào thơ ông được. Chuyện gặp em bé đi ở bị chủ nhà đuổi đi, chuyện em bé ăn xin, chuyện con chim chết bên đường cho đến chuyện lần đầu bắt gặp và lựa chọn lẽ sống, bị tra tấn, bỏ đói, chuyện đấu tranh trong tù, nỗi nhớ đồng, nhớ người, những lời trăng trối… đều đi vào thơ ông rất tự nhiên.
Hiện thực ùa vào theo mạch cảm xúc nhưng ở những bài thơ này viết về nỗi khổ, cái chết, sự đau thương mà không hề bi lụy. Nó thấm đượm một cái nhìn giầu tính nhân văn, lạc quan về xã hội và con người, về tư thế của người trong cuộc. Có lên gân, có hô hào, có lớn giọng một chút nhưng những chuyện đó trong những ngày ấy cũng là bình thường bởi tinh thần, tình cảm, khát vọng vươn tới, chiến thắng hoàn cảnh luôn là điểm tựa, điểm trội của những tâm trạng này. Nó mang một cách nhìn mới về cuộc đời và con người, nó mang một tâm thế khác hoàn toàn với phần thơ lãng mạn, đang được người ta say mê và đề cao.
Còn nói đến những non yếu của tập thơ đầu tay ở người thanh niên vừa mới tìm được đường đi cho mình này thì cũng không ít dẫn chứng. Nhưng cái chính là mấy ai thể hiện ra được cái tâm trạng “say thần thánh” (Huế tháng 8, Vui bất tuyệt) kịp thời, tươi mới, nồng nàn lúc đó như Tố Hữu ngay cả ở những người trong cuộc? Từ những ngày đầu bước chân vào cuộc đời cách mạng và thi ca ở Tố Hữu đã có sự song hành, gắn bó này.
Rồi kháng chiến chống Pháp với cuộc kháng chiến ba ngàn ngày “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, thơ Tố Hữu cũng theo sát các giai đoạn của cuộc kháng chiến. Có người chê Phá đường, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc… vì nó mộc mạc quá, đơn giản quá. Xin vâng, họ không hoàn toàn vô lý nhưng có phải điều này chỉ có ở trong thơ Tố Hữu đâu? Nhìn lại thơ Việt Nam giai đoạn này, nói cho công bằng, được bao nhiêu bài tầm cỡ? Bao nhiêu bài nói được hết cái thần thái, cốt cách của cả dân tộc trong cuộc trường chinh vì độc lập dân tộc này? Nếu kể, chắc khó loại những bài như Việt Bắc, Sáng tháng Năm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới. Đan xen giữa cái trữ tình với những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, những chiến công của cả dân tộc nhuần nhụy như thế, đằm thắm như thế, hào hùng như thế chắc chỉ có ở Tố Hữu. Cái dự cảm ngay sau chiến thắng còn phải đi tới, đi tiếp, còn phải trường kỳ hơn nữa, chiến tranh đã im tiếng súng nhưng cuộc chiến sẽ còn kéo dài có lẽ cũng chỉ có ở thơ Tố Hữu những năm này.
Tố Hữu, do điều kiện công tác của mình có nhiều thông tin hơn những người khác đã đành nhưng cái chính là hồn thơ của ông đã rung động và hòa cùng nhịp với những bước đi đó của cách mạng, với công cuộc dựng xây đất nước để có được những dấu mốc thơ xứng đáng như người cầm cờ, cắm cờ của nền thơ Việt Nam giai đoạn này là một sự thực. Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Quê mẹ, Bài ca mùa xuân 61, Mẹ Tơm, Hãy nhớ lấy lời tôi, Trên đường thiên lý, Êmêly con, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Tiếng hát sang xuân, Chào xuân 68 cũng là những bài thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam giai đoạn này. Tất cả những bài kể trên đều rất thời sự, trực tiếp, rất chính trị nhưng cũng lại rất trữ tình, nhuần nhị trong tình cảm, cách thức thể hiện. Nửa thế kỷ sau khi những bài thơ này ra đời, nói khác đi cũng không thể được bởi nói khác đi là nói khác về những tác phẩm thơ ca không chỉ của một thời mà ý nghĩa nhân văn, khát vọng hướng đến những giá trị cao đẹp của chân thiện mỹ đã vượt giới hạn thời đại nó, hướng tới những cái lâu dài hơn, vốn là bản chất của văn nghệ. Trừ mấy bài gắn nhiều với tâm tình của tác giả, với những vui buồn, nhớ thương riêng tư như Quê mẹ, Mẹ Tơm, những bài còn lại đều là những rung cảm của nhà thơ trước những vấn đề thời sự nóng hổi, không chỉ của Việt Nam, không chỉ gắn với cuộc đấu tranh của chúng ta mà còn mang tầm thời đại.
Chuyện anh Trỗi còn nóng hổi, đã bao nhiêu người viết về anh nhưng những câu thơ “Có những phút làm nên lịch sử/ có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi bài ca/ Có những con người như chân lý sinh ra” viết ra như thế thể hiện một thái độ, một tầm cao tư tưởng được đưa vào thơ tự nhiên, hòa hợp như vậy lại là hiếm. Rồi “Êmêly con ơi! trời sắp tối rồi/ cha không bế con về được nữa/ khi đã cháy bùng lên ngọn lửa” của sự thật để cho những người Mỹ và nhân loại biết về tội ác của Mỹ ở Việt Nam, về cuộc đấu tranh của chúng ta không chỉ cho mình, vì mình mà vì “ba ngàn triệu trên đời” lại mang dáng dấp tâm tình khác, riêng tư hơn, giầu chất tận hiến hơn. Rất chính trị nhưng lại cũng rất con người. Rất chính trị và cũng đặc biệt trữ tình.