Trao cho dân chìa khóa làm giàu
Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, trong công tác hỗ trợ người nghèo, có những vùng rất “chịu thương chịu khó”, ngược lại có những vùng chịu khổ nhưng chưa chịu khó, chưa có tư duy vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, cán bộ Mặt trận phải bằng mọi cách tìm đến họ, trao cho họ khát vọng thoát nghèo, khát vọng làm giàu.

Xây dựng kế hoạch dài hơi trong vận động hỗ trợ
Theo bà Võ Thị Minh Sinh, sau nhiều năm triển khai vận động, Quỹ Vì người nghèo Mặt trận các cấp tại Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, trong giai đoạn 2014-2019, Quỹ Vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 212 tỷ đồng, các quỹ an sinh xã hội khác tiếp nhận được hơn 146 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa gần 4.500 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ gần 11 ngàn hộ nghèo phương tiện sản xuất, giống cây con để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, chương trình “Tết vì người nghèo” đón nhận số tiền ủng hộ hơn 335 tỷ đồng, số tiền này đã tặng quà Tết cho hơn 513 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo...giúp hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 13% (2015) xuống còn 4% (năm 2020).
Tuy nhiên, điều trăn trở của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng như người làm công tác Mặt trận tỉnh này là mức độ hiệu quả của việc vận động hỗ trợ người nghèo hay cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo của các cấp chính quyền để giải quyết bài toán khó cuối cùng là làm thế nào để giảm nghèo bền vững đang cần một lời giải đúng đắn.
Bởi vì theo bà Sinh, hiện nay, việc vận động và hỗ trợ người nghèo được Mặt trận các cấp thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người nghèo vẫn đang triển khai theo kiểu “nóng tay, bắt lỗ tai”, “đến đâu hay đó” mà chưa xây dựng được kế hoạch bài bản, dài hơi, theo từng giai đoạn để từ đó tính toán được lộ trình kêu gọi vận động, hỗ trợ. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu hộ nghèo chưa được phân tích kỹ theo các đối tượng vùng miền như chính sách, người có công, dân tộc, tôn giáo, về cơ cấu giới, độ tuổi, trình độ và theo vùng miền trong khi đây là những yếu tố quan trọng để phân nhóm, xây dựng tiêu chí hỗ trợ đúng đối tượng cần được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc chưa xác định được tổng thể nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của các hộ nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ sinh kế, cây, con giống, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cũng gây khó khăn trong việc công khai đối tượng, nội dung kêu gọi vận động đối với các nhà hảo tâm, chưa đảm bảo được sự công bằng giữa các đối tượng được hỗ trợ.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm của MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An, bà Sinh cho rằng, Mặt trận các cấp cần tổ chức điều tra, khảo sát hộ nghèo có nhu cầu cải thiện nhà ở, hỗ trợ sinh kế, làm căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, lập kế hoạch tổng thể, thiết lập hồ sơ, hình ảnh (có mã số hộ nghèo, đối tượng, địa chỉ, hiện trạng) để kêu gọi vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Trong đó, đẩy mạnh phân tích tình trạng các hộ nghèo theo vùng miền, đối tượng, độ tuổi để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng. Song song việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cũng cần chú trọng hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, nhất là những hộ nghèo mới tách hộ, có sức khỏe, đang trong độ tuổi lao động thông qua các mô hình hiệu quả của các tổ chức thành viên và ở cơ sở như ngân hàng con giống, cây giống…
Không chỉ trao “cần câu” hay “xâu cá”
Về hỗ trợ người nghèo, bà Võ Thị Minh cho rằng, quan niệm phải cho người nghèo “cần câu”, chứ không cho “xâu cá” là không sai, nhưng cũng phải tùy từng đối tượng cụ thể, vì không phải ai cũng đủ sức khỏe để “đi câu”.
Những hoạt động như chương trình kêu gọi hỗ trợ “Tết vì người nghèo” chính là hình thức trao “xâu cá” để người người, nhà nhà đều có Tết và cần được triển khai, vận động thường niên.
Nhưng qua việc phân tích đặc điểm, văn hóa vùng miền trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bà Sinh cũng cho biết, có những vùng rất chịu thương chịu khó, ngược lại cũng có những vùng chịu khổ được nhưng chưa khịu khó, chưa có tư duy vươn lên trong cuộc sống, chưa tìm được chìa khóa để làm giàu.
Vì vậy, đối với những đối tượng trên không chỉ trao “cần câu” hay “xâu cá” mà cán bộ Mặt trận phải bằng mọi cách tìm đến họ, trao cho họ tư duy muốn “đi câu”, cho người nghèo thấy được khát vọng thoát nghèo, khát vọng làm giàu để có được nghị lực sống ý nghĩa cho riêng mình.
Có thể nói, để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, một trong những tiêu chí rất khó mà các địa phương đang rất quan tâm thực hiện, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Muốn làm được điều này, theo bà Sinh, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ Mặt trận tại cơ sở phải nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật, đúng hoàn cảnh từng người dân, từng hộ gia đình tại địa phương để có định hướng hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, mỗi cán bộ Mặt trận cần gần gũi với người dân, đưa những chiếc “cần câu” có sẵn trong tay họ trở thành công cụ hữu ích, trở thành tư duy muốn được thoát nghèo, được làm giàu để cải thiện đời sống kinh tế của chính những người nghèo, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương.
Thông tin tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương
1. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản kho bạc: Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046 tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.
2. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản ngân hàng: Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương. Số tài khoản: 1000001000171717 tại Sở giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng KH-TC (109, 111), Văn phòng Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam: Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Số điện thoại: 02439288480.