Bảo tàng Tố Hữu: Những vần thơ tái hiện lịch sử cách mạng
Sau khi ra mắt, Bảo tàng Tố Hữu hứa hẹn sẽ đem tới cho công chúng góc nhìn đa dạng hơn về cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu. Đặc biệt những dấu mốc lịch sử dân tộc sẽ được tái hiện qua những vần thơ.
Nằm trong khuôn viên nhỏ của gia đình tọa lạc tại D9 - Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội), hiện tại Bảo tàng Tố Hữu đang được gia đình nhà thơ cùng các cộng sự gấp rút hoàn thiện, dự kiến ra mắt vào ngày 11/10. Nơi đây, hai năm về trước vốn là nhà lưu niệm Tố Hữu, điểm thu hút khách tham quan, trong đó có đồng chí, đồng nghiệp và những người yêu mến sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu.
Nhà thơ Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4/10/1920 - 9/12/ 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V; Bí thư Trung ương Đảng khóa II, III, IV…
Việc thành lập Bảo tàng Tố Hữu cũng là cách để cho những người yêu quý những vần thơ và con người nhà thơ Tố Hữu có thể hiểu hơn về con người một nhà thơ cách mạng thông qua những bản thảo được trưng bày. Bà Nguyễn Thanh Hoa- con gái ruột của nhà thơ Tố Hữu chia sẻ: Việc thành lập Bảo tàng Tố Hữu là nguyện vọng của mẹ tôi - cụ Vũ Thị Thanh - phu nhân của nhà thơ Tố Hữu.
Chị Hoa cho hay: “Khi cha mẹ tôi đến với nhau, mẹ tôi đã luôn luôn trân trọng tất cả những vần thơ, tập thơ và kỷ vật của bố. Những bản thảo, thư từ trao đổi với bạn thơ, thậm chí là những lá thư của ông bà gửi cho nhau. Đối với mẹ tôi đó là tài sản quý giá nhất. Thời điểm đó mẹ tôi giữ lại không có ý định gì, đó chỉ là sự trân trọng. Sau khi bố tôi mất (năm 2002), mẹ tôi có một ý định rõ ràng về việc xây dựng một nhà lưu niệm để cho con cháu nhớ về ông. Và cũng vì nhiều người yêu thơ, yêu quý ông, những thư từ của bạn bè khiến mẹ tôi muốn chia sẻ với mọi người những góc cạnh về con người ông thông qua các bản thảo”.
Bảo tàng Tố Hữu được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Nhà lưu niệm Tố Hữu. Sau khi nhà thơ Tố Hữu qua đời, cụ Vũ Thị Thanh muốn xây dựng một nơi để lưu giữ những kỷ niệm, kỷ vật gắn liền với cuộc sống và sự nghiệp của chồng mình- nhà thơ Tố Hữu. Đáp ứng nguyện vọng đẹp của mẹ và cũng để tưởng nhớ tới người cha kính yêu, bà Hoa cùng hai người em của mình xây dựng nhà lưu niệm mang tên nhà thơ Tố Hữu.
Bà Hoa cho biết thêm: “Từ năm 2006 mẹ tôi lúc đó ốm nặng nhưng vẫn bảo dứt khoát phải làm Nhà lưu niệm Tố Hữu. Sau nhiều cố gắng, năm 2009 thì nhà lưu niệm được khánh thành. Thời điểm đó gia đình tự làm, hoàn toàn không có chút chuyên môn nào về lĩnh vực bảo tàng, thành ra cách sắp xếp rất ngây thơ, nhiều nhà chuyên môn đến thăm quan rất cảm động và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng, còn về phía mẹ tôi thì rất vui”.
Sau năm 2012, gia đình bà Hoa nhận thấy nhà lưu niệm trưng bày không chuyên nghiệp, không mang đến được đầy đủ thông tin. Nhất là khi tới thăm quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thì bà Hoa cùng các em của mình đã quyết định làm lại. Việc xây dựng Bảo tàng Tố Hữu có sự tham gia giúp đỡ của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cùng một số chuyên gia về đồ họa thiết kế và chuyên gia ngành văn hóa - lịch sử viết lời bình cho hiện vật trưng bày.
Chủ đề của bảo tàng sẽ là những bài thơ nổi bật xuyên suốt, những bài thơ nổi bật và tư liệu của nhà thơ Tố Hữu sẽ đặt cùng với những sự kiện lịch sử của đất nước và cả thế giới. Từ đó sẽ tạo cho người xem có cảm nhận như một câu chuyện lịch sử được dẫn dắt bằng những vần thơ mang tính thời cuộc.
Điều đặc biệt mới mẻ của Bảo tàng Tố Hữu là không dùng lời bình luận của người làm bảo tàng mà hoàn toàn trích thơ và trích hồi ký của nhà thơ Tố Hữu. Còn lại là những lời phát biểu, bình luận của những người nổi tiếng đương thời về thơ của ông. Cùng với đó là những chiếc tủ chứa đựng nhiều ngăn kéo và mỗi ngăn sẽ là một chủ đề để mọi người dễ tìm hiểu. Ngoài ra bảo tàng còn áp dụng những kỹ thuật mới của khoa học bảo tàng, những màn hình chạm và nhiều chủ đề đa dạng.
Bên cạnh không gian trưng bày những bài thơ tiêu biểu gắn liền với sự kiện lịch sử, trong khuôn viên của bảo tàng còn có một không gian tái tạo phòng khách và phòng làm việc của nhà thơ Tố Hữu tại căn nhà số 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội. “Bên cạnh tình yêu chung với cách mạng với đất nước, thì ba của tôi cũng là một người cha, một người chồng rất tuyệt vời. Vì thế cùng với nhóm bảo tàng cả nhà cũng nhất trí sẽ có một góc thực sự muốn cho bạn đọc hiểu rõ về ông là một người chồng, người cha như thế nào. Đó là một tình yêu lớn”- Bà Hoa chia sẻ.
Bảo tàng Tố Hữu được kỳ vọng sẽ không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật của một nhà thơ cách mạng, mà còn là nơi sẽ giúp cho thế hệ trẻ mai sau hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc qua những vần thơ, cuốn hồi ký.