Thêm cao ốc nội đô liệu có thêm tắc nghẽn?
Trong bối cảnh đô thị thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… làm tăng mật độ dân số, những tưởng sau khi Xí nghiệp vận tải di dời, khu đất này sẽ phát triển các công trình công cộng, thế nhưng UBND TP Hà Nội lại giao cho một DN lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.
Từ một khu đất thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco đang trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, một khu cao ốc được động thổ vào ngày 29/3/2019.
Khu đất thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco, doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP Hà Nội được UBND Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc để cho doanh nghiệp lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.
Cao ốc dày lên kéo theo nhiều hệ lụy
Quyết định số 130 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các Nhà máy xí nghiệp, cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Thế nhưng phần lớn các khu đất này đều biến thành cao ốc trung tâm thương mai kết hợp văn phòng và nhà ở.
Có thể kể đến khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An. Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376 m2…
Việc “nhồi” thêm cao ốc đã góp phần gây áp lực lên hệ thống hạ tầng cũ kỹ và quá tải của thành phố. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn tắc đường, ngập lụt… mà người dân Thủ đô đang phải hứng chịu. Song song với đó, cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ với quá trình đô thị hóa và việc gia tăng dân số gây nguy cơ mất an toàn khi có sự cố xảy ra.
Có một thực tế, doanh nghiệp đang là người chủ động đóng đồng thời nhiều vai khác nhau: Từ đầu tư - thiết kế - xây dựng - thẩm định khiến cho các khoảng trống còn lại trong đô thị dễ dàng bị “lấp nốt”, làm người dân mất đi cơ hội được tiếp cận và sở hữu những khoảng xanh đô thị cần thiết. Việc xen cấy số lượng lớn nhà cao tầng vào nội đô cũng góp phần ô nhiễm môi trường và phá vỡ cấu trúc đô thị.
Sự xuất hiện của các cao ốc, các tòa nhà chung cư khiến diện mạo của Hà Nội trở nên văn minh hơn. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt của các dự án chung cư cao tầng, phá vỡ quy hoạch cấu trúc đô thị đã khiến cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó, không gian tù túng, môi trường ô nhiễm….