Quy định rõ sự phối hợp giữa MTTQ và Nhà nước để khắc phục tình trạng dựa dẫm

Tiến Đạt 07/10/2020 13:29

Sáng 7/10, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật MTTQ Việt Nam là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, thống nhất trong quá trình thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam trên thực tiễn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được xem xét, nghiên cứu và bổ sung trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.

PGS.TS Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm công tác Lý luận cho rằng, Luật MTTQ Việt Nam cần có những quy định để mở rộng biên độ tập hợp quần chúng trong khi các tổ chức xã hội công lập và ngoài công lập ngày càng phát triển đông đảo trong khi Luật về Hội vẫn còn chờ xây dựng.

Thực tế cho thấy việc mở rộng của Mặt trận còn nhiều hạn chế, sự phối hợp để thực hiện đúng nghĩa liên minh tự nguyện giữa các thành viên còn thiếu vai trò của sự điều phối chung mà phần lớn thiên về hoạt động độc lập, làm cho tổ chức Mặt trận dễ rơi vào thế bị suy giảm tác dụng phối hợp của liên minh, liên hiệp để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

PGS.TS Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm công tác Lý luận phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước là mối quan hệ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Tuy nhiên, nhiều điều luật chỉ quy định phối hợp chung chung mà không chỉ rõ Nhà nước hay MTTQ là bên chủ trì phối hợp.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, thực tiễn chỉ ra rằng, trong quan hệ phối hợp, việc xác định ai là người chủ trì phối hợp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của sự phối hợp, khắc phục được sự dựa dẫm, ỷ lại, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, tại Điều 7 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc về mối quan hệ giữa MTTQ với Nhà nước làm căn cứ pháp lý để các luật chuyên ngành và các Nghị quyết liên tịch quy định.

Nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc phát huy vai trò của Luật MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến nhân dân.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận đề xuất, Luật MTTQ Việt Nam cần điều chỉnh những quy định liên quan nhằm định hướng đúng nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc tập hợp, phản ánh ý kiến của nhân dân đến Đảng, Nhà nước, tránh sự lẫn lộn giữa tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua lăng kính Mặt trận với việc thu thập, tổng hợp và báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri qua việc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo là căn cứ quan trọng, được rút ra từ thực tiễn triển khai Luật MTTQ Việt Nam về nội dung, kết cấu của các chương cũng như sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về sự phù hợp của các quy định của Luật với công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, các ban, đơn vị liên quan cần chủ động rà soát, nghiên cứu về cách thức chuyển hóa từ nhận thức trong Luật thành hành động để áp dụng những quy định của Luật vào thực tiễn, trong đó chú trọng việc nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, đánh giá sâu hơn về sự thống nhất, đồng bộ của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với các văn bản pháp luật có liên quan, từ đó đề xuất các biện pháp, giải pháp, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận trong thời gian tới.

Tiến Đạt