Ngày càng nhiều hộ đồng bào Khmer thoát nghèo
“Vua lúa giống” Danh Khal ở ấp Đai Úi, xã Mỹ Tú huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là một tấm gương nông dân Khmer Nam Bộ không cam chịu nghèo khó, luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo vươn lên để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Ở trong ấp hầu như ai cũng biết đến ông - từ một nông dân nghèo, sau gần 10 năm học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa giống hiện ông Danh Khal đã cung cấp hơn 80 tấn lúa giống mới chất lượng cao cho bà con trong huyện và các địa phương khác trong tỉnh để sản xuất.
Trong đó, đáng chú ý là giống lúa thơm ST3 thích nghi vùng đất nước lợ Sóc Trăng cho năng suất từ 6 đến 6,2 tấn/ha, cao gấp hai lần so với các giống địa phương khác.
Không chỉ cung cấp giống lúa, ông còn vận động mọi người ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển từ việc chỉ làm một vụ lúa mùa sang làm hai vụ, rồi đưa cây màu xuống ruộng; từ cấy lúa chuyển sang sạ lúa, đến sạ hàng, sạ thưa… mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Hay như ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) ngày càng thay da đổi thịt, với các tuyến đường bêtông liên ấp, nối liền xã và những ngôi nhà tường khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh những dòng kênh lớn là cánh đồng lúa trĩu bông, trải dài tít tắp.
Một không khí lao động nhộn nhịp từ nhà ra đồng. Theo chia sẻ của bà Mai Thị Sóc Kha, thì ngày trước nhà bà không có ruộng đất sản xuất, ai thuê gì làm nấy, cái nghèo cái khó vì thế cứ quẩn chân năm này tháng khác.
Nhưng từ năm 2004 được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội số tiền 10 triệu đồng, bà mua ngay 1 con bò cái sinh sản. “Hàng ngày tranh thủ thời gian đi làm thuê, tôi cắt cỏ cho bò ăn, từ 1 con bò cái, tôi tăng đàn bò cái lên 3 con.
Tính đến nay, số bò bán ra hàng chục con, nhờ tiền bán bò, tôi xây dựng ngôi nhà khang trang, mua được các tiện nghi trong nhà” - bà Kha chia sẻ.
Nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau sạch, nông dân Lý Tấn Hùng, dân tộc Khmer ngụ ấp Đai Ui, xã Phú Mỹ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhờ thường xuyên được tập huấn bài bản từ khâu làm đất cho đến sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, nên rau của ông bán với giá cao hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg và được các doanh nghiệp tìm đến tận nơi thu mua.
Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội và dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chính sách dân tộc khác, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các phum sóc vùng đồng bào dân tộc được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện; qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển toàn diện.
Theo ông Mã Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực.
Năm 2016, toàn tỉnh có gần 58 nghìn hộ nghèo (chiếm khoảng 18% số hộ), trong đó số hộ dân tộc Khmer là gần 27 nghìn hộ. Đến cuối năm 2019, số hộ nghèo còn khoảng 16 nghìn hộ (chiếm trên 4,9%), trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer còn 7.600 hộ.
Một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tham gia tăng thu nhập. Đáng chú ý là mô hình nuôi bò sữa, nuôi dê, trồng màu…, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer trong vùng xóa đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.