Cao Bằng: Từng bước nâng cao đời sống người dân

C.Hiệu 09/10/2020 15:00

Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Cao Bằng về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng có 156 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, biên giới; 185/199 xã được đầu tư theo Chương trình 135 (năm 2020, sau khi thực hiện việc sáp nhập, điều chỉnh là 150/161 xã).

Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện các chính sách dân tộc, Chương trình 135, tỉnh Cao Bằng đầu tư trên 1.260 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, cấp điện sinh hoạt, nước sạch, cải tạo thủy lợi nhỏ, trường học, trạm tiếp chuyển phát thanh, nhà văn hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở...

Nhiều tuyến đường nông thôn huyện Hà Quảng được bê tông hóa.

Về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, tỉnh Cao Bằng đã giải ngân vốn trên 43.300 tỷ đồng cho hơn 886.000 nhân khẩu được thụ hưởng; cấp phát 4,5 triệu tờ báo, tạp chí các loại.

Giai đoạn 2017 – 2020, thực hiện Quyết định 2085/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư trên 20.000 tỷ đồng để hoàn thiện hai điểm định canh định cư; hỗ trợ làm nhà cho 45 hộ; hỗ trợ dụng cự chứa nước cho 3.706 hộ dân...

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu và ban hành cơ chế cho phép địa phương được linh hoạt vận dụng triển khai chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số theo hướng đơn giản, chủ động, phân cấp sâu hơn cho cơ sở.

Bên cạnh đó, Trung ương cần có cơ chế, chính sách nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; có cơ chế linh hoạt trong việc giao cấp xã làm chủ đầu tư các dự án theo Chương trình 135; sớm ban hành quy định về tiêu chí phân định xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về bố trí, sử dụng cán bộ sau sáp nhập huyện, xã, thôn xóm; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cây dược liệu; kiên cố các trường dân tộc nội trú, bán trú.

Các đại biểu cũng thảo luận về đầu tư giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên thôn, xã; định mức biên chế cho trạm y tế xã sau sáp nhập theo cơ chế đặc thù, những tác động của các tiểu dự án đến hạ tầng cơ sở các trạm y tế...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả tỉnh Cao Bằng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc.

Đồng thời, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Cao Bằng cần đưa nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng thời, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa vai trò cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh.

C.Hiệu