Cuộc sống vốn dĩ đang lấp lánh
Trong bối cảnh công cuộc chống dịch vẫn chưa biết lúc nào mới có thể kết thúc, có rất nhiều việc phải được nhìn nhận bao dung trong cả tổng thể chung vì quyền lợi của cộng đồng và đất nước.
G. thân mến!
Không biết G. đang sống ở nước Mỹ thì suy nghĩ thế nào về việc một cô gái người Việt Nam – N.H.N., bệnh nhân số 17 mắc virus SARS-CoV-2 đã kể lể về việc cô ấy bị tổn thương khủng khiếp ở Việt Nam trên tờ The New Yorker (Mỹ). Tôi chỉ muốn chỉ cho G. rằng ở Việt Nam, nội dung bài báo ấy khiến nhiều người phẫn nộ.
Cái bài báo có tựa đề “The Public-Shaming Pandemic” (Đại dịch gây hổ thẹn cho cộng đồng) ấy diễn tả là vào tháng 3/2020, chỉ 1 giờ sau khi các bài báo về thông tin ca nhiễm thứ 17 ở Hà Nội được đăng tải, thì trên mạng xã hội đã xuất hiện mọi thông tin về cô và cư dân mạng bắt đầu tìm kiếm tấn công các tài khoản mạng xã hội của cô. Cũng theo tờ báo này, cuộc tấn công mạng khiến hai chị em họ bị tổn thương nghiêm trọng. Cũng trong bài báo người chị gái của N.H.N cho rằng những người như cô và bệnh nhân số 17 ở Việt Nam bị cộng đồng mạng tấn công là bởi “sự ghen tị về giai cấp” và cho rằng những màn ném đá như vậy là “phân biệt đối xử”. “Ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền. Chúng tôi đi du lịch rất nhiều. Nếu đó là Paris Hilton bị nhiễm bệnh thì chắc người ta cũng chẳng tức giận đến thế đâu”. Chuyện đến đấy đã đành, ngay sau khi bài báo xuất hiện, cô gái ấy đã viết trên trang cá nhân: “Cảm ơn báo New Yorker đã làm sáng tỏ câu chuyện của mình, đã đứng về phía mình. Những trải nghiệm này thật đau lòng nhưng nhờ nó mà tôi đã trưởng thành và tôi tin rằng mình đã trở nên mạnh mẽ hơn. Với bất cứ ai cảm thấy tuyệt vọng như tôi đã từng, luôn luôn có ánh sáng phía cuối con đường”.
Ở Việt Nam, nhiều người ta dùng từ hổ thẹn và xấu hổ để nói về thái độ bày tỏ của N.H.N. Bởi vì cô ấy chỉ kể lể về việc bị cộng đồng mạng tìm kiếm thông tin cá nhân mà không nói rằng cô ấy khi trở về Việt Nam có sử dụng 2 hộ chiếu, khai báo không trung thực để gian dối trong việc cách ly y tế. Cô ấy cũng không đặt mình trong bối cảnh chống dịch của Chính phủ Việt Nam, để dập dịch hiện quả như vậy thì việc truy tìm dấu vết dịch tễ, khoanh vùng, xác minh để cách ly những người đã từng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 là yếu tố cực kỳ quan trọng. Và như thế trong những trường hợp cụ thể vì lợi ích chung của cả cộng đồng, mỗi người có thể phải hy sinh những điều đáng lẽ thuộc về cá nhân. Cô ấy cũng không nói rằng từ khi được các bác sĩ tại Việt Nam điều trị bệnh đến giờ cô ấy chưa có bất kỳ lời cảm ơn hay công khai xin lỗi về việc đã gian dối trong khai báo y tế…
G. ạ!
Tôi không cổ súy cho việc công kích cá nhân và những tò mò thọc mạch quá mức vào đời tư người khác mà bây giờ trên mạng người ta rất dễ mắc phải. Đúng là khi Hà Nội phát hiện bệnh nhân số 17 nhiễm virus SARS-CoV-2, có những người đã có những lời lẽ phán xét miệt thị và công kích rất đáng phê phán về cô gái trẻ trên trang cá nhân của họ. Và những ai tung tin thất thiệt thì vào thời điểm ấy tôi nhớ rằng đều đã bị các cơ quan chức năng xử lý và xử phạt. Nhưng việc nào ra việc đấy. Không phải vì một vài người nào đó có lời lẽ chưa đúng mực mà giờ đây lại quay lại phán xét cả cộng đồng. Tôi rất lấy làm tiếc về nhận thức của một cô gái trẻ, vừa vượt qua thời điểm khó khăn của cuộc đời vì nhiễm bệnh. Không hiểu khi lên một tờ báo Mỹ bày tỏ thì cô gái ấy có nhớ đến một đêm “Hà Nội không ngủ” các bác sĩ và nhân viên y tế đã phải cả đêm đi điều tra dịch tễ, truy lùng dấu vết những người tiếp xúc hay không? Không biết cô gái trẻ có nhớ cả phố Trúc Bạch buộc phải phong tỏa, Bệnh viện Hồng Ngọc phải đóng cửa với hàng loạt y bác sĩ bị cách ly? Đó là chuỗi ngày điều tra truy vết các ca F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân số 17, vì bệnh nhân ấy đã không trung thực khai báo ngay từ đầu.
May mắn là bệnh nhân số 17 và những người từng tiếp tục với cô ấy mà nhiễm bệnh đã được chữa khỏi. Tri ân cuộc đời này còn không hết, giờ đây sao còn có thể quay lại chỉ trích đất nước và đồng bào mình.
G. thân!
Trong bối cảnh công cuộc chống dịch vẫn chưa biết lúc nào mới có thể kết thúc, có rất nhiều việc phải được nhìn nhận bao dung trong cả tổng thể chung vì quyền lợi của cộng đồng và đất nước. Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại với những chuyến bay thương mại. Không chỉ đồng bào mình rồi đây sẽ trở về dễ dàng hơn mà cả khách quốc tế cũng đã có thể đến Việt Nam.
Có những bạn trẻ trở về từ khi dịch bệnh ở các quốc gia trên thế giới còn rất căng thẳng đã đang tính chuyện trở lại trường học. Hôm qua, tôi đi cùng một bạn sinh viên du học ở nước Mỹ đã về Việt Nam từ mấy tháng trước, bạn ấy tâm sự với tôi là học xong chỉ muốn trở về. Tôi không phải là người cho rằng chỉ có trở về mới là người yêu nước. Về hay ở thì cũng là làm việc có ích cho cuộc đời. Nếu ở nước ngoài mà trở thành những người có cống hiến xuất sắc cho nhân loại thì cũng chính là đang làm rạng danh cho đất nước. Biên giới mềm tổ quốc sẽ được kéo dài thêm khi có người Việt định danh được trên bản đồ thế giới. Thế nên, tôi không khuyên bạn sinh viên phải trở về, nhưng tôi cảm động vì nguyện vọng muốn trở về của một bạn trẻ, chỉ vì một mong ước đơn giản, con chỉ muốn sống và làm việc ở Việt Nam.
G. yêu quí!
Không biết G. còn nhớ Mai Linh, cô cháu gái đầu tiên của bố mẹ tôi không nhỉ. Bạn ấy sinh ra ở nước Nga, 5 tuổi về Việt Nam, 19 tuổi lại lên đường đi du học. Giờ đã tốt nghiệp bác sĩ ở nước Đức và hôm nay bạn ấy lấy chồng, một chàng trai người Việt. Suốt nhiều năm liền Mai Linh là đứa cháu tôi cực kỳ yêu quí và hôm nay tôi nhìn những bức ảnh cưới chụp rạng ngời ở châu Âu bỗng thấy trào nước mắt, vì mừng. Trở thành một bác sĩ ở châu Âu là mơ ước của con và con đã thực hiện được, dù có thể sắp tới đây con chưa trở về Việt Nam làm việc ngay thì chắc chắn, với trái tim nhân hậu, con sẽ là một bác sĩ tốt.
G. ạ, bỗng nhiên, tôi nghĩ rằng có vẻ như càng trong xã hội hiện đại người ta càng hoang mang trong mớ bòng bong khi đi tìm mình một phương cách sống. Ý nghĩ này chợt đến khi chính mình lặn ngụp trong vô vàn các bài viết về tâm lý, về cách sống tràn ngập trên mạng xã hội. Điều đáng lưu tâm là những bài viết như vậy luôn có số lượng người đọc rất lớn. Bất an trong tâm là bất an lớn nhất khiến người ta luôn đi tìm ở đâu đó những lời khuyên nhủ. Trong khi nếu tự tâm mỗi người không giải quyết được vấn đề của chính mình thì không ai có thể làm giúp mình.
Sống thực ra là rất dễ. Nói chung trong cuộc đời vốn dĩ tất thảy đều đơn giản, là do con người làm cho phức tạp và làm khổ lẫn nhau. Đơn giản như việc ăn mặc, vui chơi. Nhu cầu đến đâu đều khởi phát tự tâm. Mọi thứ vật chất đều có thể đến với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Nếu mình không để ý đến chúng thì thôi, nó chả ảnh hưởng gì đến đời mình. Nhưng nếu mình quan tâm đến nó, mong mỏi được sở hữu nó thì nó sẽ thành thứ trói buộc.
Và tôi vẫn tin rằng cuộc sống vốn dĩ đang lấp lánh!
Chào G. nhé!
Hẹn gặp thư sau!