Nhà mồ - nét văn hóa tâm linh của người Gia-rai

Lan Ngọc 12/10/2020 08:00

Nhà mồ là nét văn hóa tâm linh của người Gia-rai và nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Nhà mồ là trung tâm của nghi lễ bỏ mả. Ở đó người ta thể hiện tâm tư, tình cảm thông qua các bức tượng dành cho người đã khuất.

Với đồng bào Gia-rai, chết không phải là mất đi mà là chuyển sang một thế giới khác. Do đó, lễ hội bỏ mả với đồng bào Gia-rai là ngày quan trọng, mang tính văn hóa và cũng mang tính cộng đồng. Nhà mồ, tượng mồ- những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào dịp lễ hội này.

Theo phong tục, trước lễ bỏ mả vài chục ngày, người Gia-rai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ là sản phẩm kiến trúc độc đáo được dựng lên từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng.

Những người già có nhiều kinh nghiệm thì chịu trách nhiệm trang trí mỹ thuật, còn thanh niên trai tráng thì dựng cột và làm những việc nặng nhọc hơn.

Tượng người đàn ông ở góc nhà mồ

Điều đặc biệt là kỹ thuật dựng nhà mồ. Khi đo đạc làm nhà mồ, người ta không dùng thước mà dùng những đơn vị cơ thể người như một sải tay, 1 cánh tay, 1 bàn tay... Chính điều đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên nguyên thủy.

Từ điển Hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam ghi lại: Nhà mồ vẽ hoa văn trên mái, có nhiều trang trí và nhiều tượng gỗ dựng xung quanh.

Hai mái chính hình thang cân, 2 mái nhỏ ở 2 đầu hồi hình tam giác, đều lợp gỗ ván và trên 2 mái chính còn được phủ tấm đan bằng nan tre, có vẽ nhiều đồ án hoa văn màu đỏ nhạt. Có thể lợp vải trắng và vẽ trang trí lên đó.

Dải hoa văn tạc thủng vào gỗ ván dựng dọc theo nóc nhà, gồm những mô-típ và cảnh sinh hoạt khác nhau. Cửa quay về hướng đông. Nhà mồ được làm trong thời gian chuẩn bị lễ bỏ mả, dựng trùm lên trên ngôi mộ cho hàng chục người ở nghĩa địa làng, tiếp sát với nơi cư trú của người sống.

Với người Gia-rai, nhà mồ luôn gắn liền với lễ bỏ mả và là trung tâm của lễ thức này. Người Gia-rai quan niệm, lễ bỏ mả là lễ chia tay vĩnh viễn với người chết, để hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia. Cho nên lễ bỏ mả là lễ quan trọng của người Gia-rai được tổ chức chu đáo, long trọng và rất đông người dự.

Điều quan trọng và đặc sắc nhất của nhà mồ Gia-rai là các tượng gỗ. Thường quanh mỗi nhà mồ là hàng chục tượng gỗ nhô lên nối tiếp liền với những cột chính để liên kết với hàng trăm khúc gỗ tròn nhỏ dựng thành hàng rào.

So với nhà mồ của các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên thì nhà mồ của người Gia-rai là to hơn cả. Bởi người Gia-rai có tục chôn chung, những người thân trong gia đình có thể lần lượt được chôn chung vào một quan tài.

Trong cùng một mộ lại có thể có nhiều quan tài của những người trong họ tộc thân thuộc với nhau. Chính vì vậy những gia đình có người chết không chỉ chuẩn bị những nguyên liệu để dựng ngôi nhà mồ mà họ còn chuẩn bị các lễ vật để cúng cho người đã chết, đặc biệt là các bức tượng nhà mồ với các tư thế khác nhau.

Tượng phụ nữ mang thai

Cũng có nhiều quan niệm được đưa ra về ý nghĩa của các tượng nhà mồ. Tuy nhiên, có thể thấy những bức tượng ở phía gần tâm luôn là những bức tượng thể hiện sự hoan ái, biểu trưng cho sự phồn thịnh, ước muốn về một cuộc sống hạnh phúc ở thế giới bên kia.

Còn ở bốn góc là những bức tượng người ngồi ôm mặt. Có tượng con công thể hiện cho ánh sáng ban ngày; tượng con thú thể hiện cho ánh sáng ban đêm; tượng ôm mặt thể hiện tâm tư của những người phải chia tay với những người đã chết; tượng người đàn ông ôm thỏ thể hiện niềm vui trong lao động, săn bắn; tượng nữ giới mang thai thể hiện vai trò chức năng của nữ giới trong việc sinh con chăm lo cuộc sống gia đình…

Theo truyền thống, nghi lễ bỏ mả của người Gia-rai thường kéo dài từ 5-7 ngày, hiện nay thường chỉ còn 2 ngày. Nghi lễ thể hiện rất rõ sự tiếc nuối đối với người đã chết.

Những gia đình có người đã chết chôn trong ngôi mộ này sẽ chuẩn bị các đồ dùng đặt trong ngôi nhà mồ để cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Nghi lễ bỏ mả cũng là nghi thức giải phóng cho những người thân, đặc biệt là những người góa có thể đi bước nữa sau lễ bỏ mả.

Nghi lễ bỏ mả cũng là một trong những nghi thức để đưa tiễn vong linh người mất về với ông bà. Nghi lễ bỏ mả cũng là dịp để các cư dân Gia-rai nói riêng và các tộc người ở Tây Nguyên nói chung thể hiện sự nuối tiếc nhưng cũng cầu mong một cuộc sống mới cho người đã mất khi trở về thế giới bên kia. Và, có thể nói, những tâm tư đó được họ thể hiện rõ nét nhất ở cách bài trí, xây dựng nhà mồ.

Lan Ngọc