Chờ gói hỗ trợ lần 2

T.Hằng 08/10/2020 07:42

Gần 2 triệu lao động bị mất việc làm vì cú bồi Covid-19. Vì vậy gói hỗ trợ lần 2 với quy mô 18.000 tỷ đồng đang rất được mong chờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tổng kết và khắc phục nhược điểm gói hỗ trợ lần 1 để tiến hành hỗ trợ lần 2 hiệu quả và đúng đối tượng.

Lao động phi chính thức cũng là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú bồi Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Khó khăn với lao động khu vực phi chính thức

Chỉ ngồi quán nước trên phố Bông Thợ Nhuộm (Hà Nội) khoảng 20 phút mà tôi thấy có đến 3 người đánh giày mời chào, thêm 2 người vác túi nhỏ mời dán kính màn hình điện thoại. Còn trước cửa chợ Hàng Da hay trên đường Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu không khó để bắt gặp những người thợ mộc đang đứng ngồi chờ việc…

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp đã làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Do vậy, số người lao đông bị giảm giờ làm, mất việc, giảm thu nhập tăng cao.

Thống kê từ Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho hay, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19. Kèm với đó, là kết quả chỉ ra nhóm lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 61,7%, cao hơn 23,2 điểm phần trăm so với nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (38,5%).

Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động không có trình độ dễ bị tổn thương hơn nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Tại dãy nhà trọ ngõ 66 phố Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội đa phần phòng được người thuê trả, không ở nữa. Lý do được đưa ra, giá nhà không giảm trong khi thu nhập ít hơn nên một số người tìm nơi trọ mới.

Chị Hoàng Oanh (34 tuổi) làm ở công ty vệ sinh môi trường thông báo với chủ nhà sẽ không thuê phòng, và trả phòng từ ngày 15/10 tới. Chị chia sẻ: thu nhập của tôi giờ chỉ được 5 triệu đồng/tháng, mà giá phòng vẫn 2 triệu đồng. Trong khi đó phải gửi tiền về quê nuôi con nhỏ, nên tôi quyết định tìm chỗ trọ mới rẻ hơn.

Còn anh Vũ Đức Thuận, chạy Grab ở cùng dãy trọ chia sẻ, anh và vợ quyết định chuyển về quê sau 5 năm bám trụ ở thủ đô. Anh nói, đi ở trọ có cái cực là tiền điện, tiền nước tính quá cao. Ở trọ phòng 12m2 tính ra hết 2,7 triệu đồng/tháng.

Dịch Covid-19 mọi người đi lại cũng ít, nên thu nhập từ chạy xe Grab giảm từ 11 triệu/ tháng về 8 triệu/tháng trong khi vợ không có việc làm. Nên vợ chồng anh quyết định trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm phụ hồ.

Người nghèo rất cần được hỗ trợ

Chúng tôi đã tìm hiểu và trò chuyện với rất nhiều lao động ở lĩnh vực phi chính thức và họ đều cho rằng, đang mong ngóng có được nguồn hỗ trợ.

Bộ Kế hoạch đầu tư cũng khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Do vậy, Gói hỗ trợ lần 2 với kinh phí 18.600 tỷ đồng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách hỗ trợ cho lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn theo hướng sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền gồm (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi).

Cũng theo hướng hỗ trợ, đối tượng là người lao động đang phải thuê nhà (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, nhiều người bán nước, đánh giày, chạy xe ôm, làm thuê… cần được hỗ trợ trực tiếp. Chính sách hỗ trợ phải đến được bộ phận yếu thế này.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong gói hỗ trợ lần 1 với quy mô 62.000 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận hỗ trợ rất ít, chưa đến 20%. Thậm chí nhiều doanh nghiệp biết có chính sách nhưng không đăng ký hỗ trợ vì nhiều thủ tục, giấy tờ. Còn bộ phận lao động không có việc không được hỗ trợ. Do vậy cần tổng kết và khắc phục nhược điểm gói hỗ trợ lần 1 để tiến hành hỗ trợ lần 2 hiệu quả và đúng đối tượng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng từng cho biết, các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể, kịp thời và đúng đối tượng.

Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc phát huy tác dụng chưa cao do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt.

Gói hỗ trợ lần 2 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, lao động mất việc làm... chịu tác động bởi dịch Covid-19.

T.Hằng