Giải bài toán nguồn cung điện
Với lợi thế về bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào, giới chuyên gia nhận định tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn. Bởi vậy, nếu có những chính sách đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, giải bài toán nguồn cung điện không phải là vấn đề khó.
Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng lớn về các dạng NLTT khác như gió, sinh khối... Đây là những nguồn năng lượng sạch, quý giá, cần được khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Riêng về tiềm năng điện gió, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió từ 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW, nếu cộng thêm tiềm năng điện gió từ ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW.
Cũng khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nêu quan điểm, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.
“Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn” - vị này nhận định.
Không phủ nhận những tiềm năng của chúng ta về nguồn năng lượng sạch hiện nay, song nhiều ý kiến cho rằng, còn rất nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, về cơ sở hạ tầng, về cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Nêu lên quan điểm của mình, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, để phát triển được loại hình năng lượng sạch này trong thời gian tới, nhà quản lý cần xác định mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần, đây là điều kiện tiên quyết để Chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.
Bên cạnh đó cần có khung pháp lý phù hợp và hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế, đây chính là chìa khóa để bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với tiềm năng về các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời… bài toán nguồn cung điện hoàn toàn không quá khó khăn khi đi tìm lời giải. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao để thu hút được đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Giới chuyên gia khuyến cáo, nhà quản lý cần xây dựng chính sách đồng bộ, ổn định, lâu dài cho phát triển NLTT, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư.
Đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ NLTT; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng NLTT và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến NLTT, áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Theo trang eco-business, không có gì phải nghi ngờ việc thị trường năng lượng điện gió đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, là một trong những ví dụ thành công nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, khu vực thời gian qua vốn chưa bắt nhịp kịp với xu thế toàn cầu “nói không” với nhiên liệu hóa thạch.