Áp lực thi cử đối với người trẻ: Gia đình nên 'cởi' chứ không nên 'buộc'
Nhiều bạn trẻ vững vàng, nhìn nhận được thực tế và vượt qua được những áp lực thi cử “đè nặng” lên vai. Tuy nhiên, có những trường hợp các bạn trẻ không chịu nổi áp lực và dẫn đến các hệ luỵ khôn lường. Những áp lực này phần nhiều đến từ gia đình, được hình thành trong cả một quá trình, không đơn thuần chỉ xảy ra một thời gian ngắn.
Áp lực thi cử, người trẻ có đủ bản lĩnh vượt qua ?
Ngày 5/10, người dân xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam phát hiện em H. (18 tuổi) treo cổ tự tử ở nhà nên cấp tốc đưa đến bệnh viện nhưng em H. đã tử vong trước đó. Theo thông tin từ bạn bè của H., tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, H. thi được số điểm khá cao và có nguyện vọng theo học trường đại học về luật.
Chiều ngày 4/10, khi trường này công bố điểm chuẩn, H. không đủ điểm trúng tuyển. Đây có thể là nguyên nhân khiến em H. tự tử.
Sự việc đau lòng của em H. chỉ là một trong những số những vụ học sinh tự tử do áp lực thi cử. Trên thực tế, số lượng học sinh, sinh viên tử tự vì nguyên do áp lực trên ngày càng tăng. Con số về vấn đề này đang ở mức báo động.
Những vụ việc này là hệ luỵ nguy hiểm nhất do áp lực thi cử gây ra. Bên cạnh đó, có rất nhiều bạn trẻ cảm thấy buồn chán, mất phương hướng khi không đủ điểm để đỗ vào trường theo đúng nguyện vọng hoặc không đủ điểm để có thể học các trường Đại học.
Đặc biệt, trong thời điểm “chờ đợi” xét tuyển đợt cuối, xét tuyển bổ sung của các trường đại học, rất nhiều bạn trẻ đang trong trạng thái “lo âu, thấp thỏm” chờ công bố của các trường.
Cầm trong tay tờ giấy báo điểm, hồ sơ học bạ Trung học phổ thông, nhiều thí sinh, gia đình bày tỏ sự lo lắng trong quãng thời gian này. Bởi đối với kỳ thi đại học thì 0,25 điểm cũng là khoảng cách “tương đối lớn”, 0.25 điểm có thể là khoảng cách của hàng chục thí sinh.
Sự việc thiếu 0,25 điểm để đỗ vào Đại học Y Hà Nội của thí sinh Ngô Minh Hiếu (Thanh Hoá), thí sinh được nhiều người biết đến bởi câu chuyện “10 năm cõng bạn đi học” là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, không vì thiếu 0.25 điểm mà “chán nản” hay chờ đợi sự “đặc cách” từ trường Đại học Y Hà Nội, Ngô Minh Hiếu thẳng thắn nhìn nhận thực tế, quyết định theo học tại Đại học Y Thái Bình - ngôi trường Hiếu đủ điểm đỗ.
Hành động này của Ngô Minh Hiếu cũng một phần “minh chứng” cho bản lĩnh của người trẻ, biết cách vượt qua áp lực của mỗi kỳ thi, chấp nhận kết quả đúng với năng lực của bản thân.
Áp lực thi cử đến từ đâu ?
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Thị Hương Giang, áp lực thi cử đối với các bạn trẻ đến từ nhiều phía, trong đó có gia đình, xã hội, chính bản thân các bạn trẻ. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất đến từ phía gia đình.
Áp lực này không xảy ra trong thời gian ngắn mà thực chất, áp lực này đã tồn tại trong suốt quá trình nuôi dạy con từ bé đến lớn. Những hành động liên quan đến việc so sánh con với các đứa trẻ khác, yêu cầu con cần đạt thành tích cao trong mỗi môn học,… tưởng chừng đơn giản nhưng “vô hình chung” đã tạo thành áp lực cho con. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ đã hình thành “nỗi sợ mơ hồ” nếu như không đạt được những điều bố mẹ mong mỏi.
Kỳ thi đại học là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, cũng là thời điểm bạn trẻ cảm nhận rõ rệt áp lực đó, “gọi tên” được áp lực đó và nếu không “vượt qua” được sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường.
Giảng viên Hoàng Mai (trường Đại học Văn hoá) cho biết, các bạn thí sinh thi đại học năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quá trình học tập của các bạn có sự gián đoạn. Chính vì vậy, nhiều thí sinh bị “chệch choạc” khi ôn luyện kiến thức, dẫn đến bị áp lực khi tham gia kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, phần lớn áp lực “đè nặng” lên vai các bạn trẻ vẫn đến từ gia đình. Nhiều gia đình vẫn có tư duy “cố hữu” là con phải học đại học, chỉ mong muốn con đỗ đại học nhưng không hề xét đến năng lực của con, bày tỏ sự kỳ vọng quá lớn vào con mà không nhìn nhận đủ các khía cạnh. Những bạn trẻ trong trường hợp này sẽ cảm thấy “sợ hãi”, “tâm lý” nếu không đạt được đúng theo mong ước của bố mẹ.
Cô Hoàng Mai cũng chia sẻ thêm, các bạn trẻ không chỉ bị áp lực lớn khi đến kỳ thi đại học mà còn bị áp lực từ kỳ thi vào Trung học phổ thông, nhiều bố mẹ đặt ra mục tiêu rất cao đối với con, mong muốn con đỗ vào trường chuyên lớp chọn. Việc này đã và đang tác động tâm lý rất lớn đối với các bạn trẻ, tất cả phải “gồng mình” để đạt được mục tiêu.
Đồng hành cùng con, vượt qua áp lực thi cử
Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Thị Hương Giang cũng chia sẻ, trong giai đoạn con trải qua kỳ thi đại học, bố mẹ cần là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho con, cần hiểu rõ việc học đại học chỉ là một trong những con đường dẫn đến thành công, đó không phải là con đường duy nhất.
Bố mẹ cần “gạt” những áp lực xã hội đến từ bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng,… qua những câu hỏi như “Con anh chị đỗ trường nào?”, “Cháu thi đại học được bao nhiêu điểm?”, “Cháu có đỗ nguyện vọng 1 không?”…, không “đè ngược” lại những áp lực đó lên vai con; cần hiểu điều quan trọng là con phải được hạnh phúc mỗi ngày, con chỉ cần phấn đấu mỗi ngày trôi qua đều cảm thấy hạnh phúc là con sẽ bước đến thành công. Hãy để con sống, chứ không phải con tồn tại.
Nếu bố mẹ “dồn” áp lực xã hội lên vai con cộng với những áp lực đến từ bố mẹ, có thể sẽ dần dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường xảy ra. Chính vì vậy, bố mẹ hãy cùng đồng hành, giúp con có đủ bản lĩnh để vượt qua những giai đoạn "nhạy cảm".