Xuất khẩu rau quả giảm 11%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9 năm 2020 đạt 250 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân xuất khẩu rau quả giảm bởi Trung Quốc là thị trường đứng đầu nhập khẩu rau quả của Việt Nam giảm mạnh với mức trên 26% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là lý do khiến thị trường này hiện chỉ chiếm trên 58% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 8 tháng đạt 1,31 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở nhiều thị trường khác, xuất khẩu rau quả Việt Nam đều có sự tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ tăng gần 6%; Hàn Quốc tăng 18%; Nhật Bản tăng 11%, đặc biệt Thái Lan tăng gần 230%.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu rau quả giảm còn do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao giảm. Điển hình có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với trên 36% tổng giá trị xuất khẩu giảm gần 6%; chuối chiếm gần 6%, giảm gần 10%; sầu riêng giảm 58,5%; vải quả giảm trên 21%...
Tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà thị trường này ưa chuộng như: canh dây, dừa, bưởi da xanh, thanh long… đường tàu biển và hàng không.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bởi, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá, tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.
Điều đó đã được chứng minh khi chỉ trong tháng 8/2020 – tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA được thực thi, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU tăng trên 25% so với tháng 7/2020 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 9 tháng đạt 939 triệu USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam; trong đó, chỉ có nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ là tăng với mức gần 9%.
Tại thị trường trong nước, giá một số loại trái cây trong tháng 9 cũng có xu hướng tăng. Tại Kiên Giang, giá chuối xiêm tăng trở lại, lên mức 9.000 - 10.000 đồng/nải, gấp 5 lần so với thời điểm bị mất giá kéo dài từ năm ngoái sang đầu năm nay. Theo các nhà vườn, giá chuối hiện nay tăng cao, ngoài việc thị trường tiêu thụ tốt, thương lái đẩy mạnh thu mua, thì nguồn cung cũng bị hạn chế trong bối cảnh ảnh hưởng mưa bão.
Giá mít Thái ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… có thời điểm lên đến gần 70.000 đồng/kg. Hiện mít Thái loại I, có trọng lượng từ 8 kg/trái trở lên được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 65.000 - 68.000 đồng/kg. Loại II, dưới 8 kg/trái có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, bình quân tăng hơn 25.000 đồng/kg, so với thời điểm cuối tháng 8, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cách đây khoảng 3 tháng và cao hơn 15.000 đồng/kg so với giá mít đỉnh điểm năm ngoái.
Đối với rau củ, giá một số rau củ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh tăng giá mạnh do ảnh hưởng của bão và mưa. Các mặt hàng như khoai tây, cà rốt, súp lơ đều đạt mức tăng 10.000 đồng/kg.